Việt Nam đang được kỳ vọng sẽ dẫn đầu khu vực Đông Nam Á trong quá trình chuyển đổi xanh. Báo cáo “Từ Tầm nhìn đến Hành động: Đẩy nhanh tiến trình “xanh hoá” nền công nghiệp Việt Nam” của Jones Lang LaSalle (JLL) chỉ rõ những yếu tố chính thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh của Việt Nam, bao gồm vị trí địa lý thuận lợi, lợi thế về lao động và các sáng kiến phát triển bền vững đang được triển khai.
Những lợi thế nổi bật của Việt Nam trong quá trình chuyển đổi xanh
Jones Lang LaSalle (JLL) nhận định rằng Việt Nam đang hưởng lợi từ xu hướng “Trung Quốc +1”, nhờ vị trí địa lý chiến lược. Cụ thể, đây là chiến lược kinh doanh mà các công ty áp dụng nhằm giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc bằng cách mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh sang ít nhất một quốc gia khác. Với vị trí nằm ngay sát Trung Quốc, trên hành lang kinh tế đông tây (EWEC), cùng bờ biển dài, Việt Nam trở thành điểm đến lý tưởng của nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Trong giai đoạn 2010 – 2023, tốc độ tăng trưởng kép hàng năm về vốn FDI của Việt Nam đạt 10%, cao hơn đáng kể so với mức trung bình 7,6% của các quốc gia ASEAN khác như: Indonesia, Philippines, Malaysia, và Thái Lan.
Cũng theo phân tích của JLL, một trong những ưu thế của Việt Nam giúp thu hút nguồn vốn FDI chất lượng là lực lượng lao động dồi dào, trình độ học vấn cao, đứng vị trí thứ hai toàn khu vực Đông Nam Á về số lao động có bằng cấp. Đồng thời, chi phí lao động tại Việt Nam tương đối thấp, mức lương trung bình của công nhân ngành chế biến, chế tạo chỉ bằng khoảng 34% so với Trung Quốc, tạo điều kiện thuận lợi cho chiến lược “Trung Quốc +1” mà nhiều doanh nghiệp theo đuổi.
Lao động trình độ giáo dục cao và chi phí rẻ là lợi thế của Việt Nam
Ngoài ra, Việt Nam còn cho thấy thế mạnh, quyết tâm trong việc thực hiện, tuân thủ các cam kết quốc tế về môi trường, được thể hiện thông qua chính sách, sáng kiến bền vững. Để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng “0” (Net Zero) vào năm 2050 như đã cam kết tại COP26, Việt Nam tăng cường thực hiện các giải pháp chiến lược bao gồm: tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo, cải thiện hiệu suất năng lượng và khuyến khích sử dụng phương tiện giao thông điện.
Đáng chú ý, ngành công nghiệp Việt Nam hiện đang dẫn đầu trong việc đạt Chứng chỉ LEED cho các tòa nhà, chiếm hơn 70% số dự án được chứng nhận trong năm 2023, theo Hội đồng Công trình Xanh Hoa Kỳ.
Không những vậy, Việt Nam cũng ban hành Nghị định 35/2022/NĐ-CP nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh, đặc biệt là chú trọng đến việc phát triển khu công nghiệp sinh thái. Các dự án như: khu công nghiệp Nam Cầu Kiền (Hải Phòng), khu công nghiệp Amata City (Biên Hòa),… cho thấy những bước tiến đáng kể trong việc áp dụng, triển khai mô hình này. Các dự án đều tập trung vào nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng tái tạo, tái chế chất thải, từ đó mang lại lợi ích bền vững về môi trường và kinh tế.
Bà Trang Lê, Giám đốc cấp cao Khối Nghiên cứu và Tư vấn tại JLL Việt Nam, nhấn mạnh rằng ngành công nghiệp Việt Nam đang chuyển mình, bước vào giai đoạn mới, nơi mà các giải pháp bền vững không chỉ là điều kiện bắt buộc mà còn tạo ra lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp. Bà tin rằng tất cả các bên liên quan, đang hướng tới sự thay đổi bền vững và muốn nắm bắt cơ hội kinh doanh tại thị trường Việt Nam, đều sẽ nhận thấy tiềm năng từ các sáng kiến xanh này.
Những ngành nghề dự đoán sẽ phát triển mạnh mẽ
Xuất khẩu Việt Nam đang được kỳ vọng đạt mức tăng trưởng kép 6,8% hàng năm giai đoạn 2024 – 2030, đồng thời, nhu cầu tiêu thụ trong nước dự kiến cũng tăng trưởng 6,1% trong cùng giai đoạn. Bên cạnh đó, thị trường thương mại điện tử ghi nhận sự phát triển ấn tượng với tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm đạt 33,8% trong giai đoạn 2019 – 2023, được xem là một trong những thị trường phát triển nhanh nhất trong khu vực.
Bất động sản Việt Nam cũng được đánh giá cao, với nguồn quỹ đất dồi dào: 12.254 hecta đất công nghiệp tại miền Bắc và 28.251 hecta tại miền Nam. Đây sẽ là nguồn cung đất tiềm năng, đáp ứng các nhu cầu sắp tới về triển khai dự án khu công nghiệp, nhà ở,… Trong 7 tháng đầu năm 2024, bất động sản giữ vị trí thứ hai trong cuộc đua thu hút vốn FDI, với tổng số vốn đăng ký hơn 2,87 tỷ USD. Nhờ có tiềm năng lớn về quỹ đất, bất động sản được dự đoán vẫn sẽ tiếp tục là ngành thu hút nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài.
Bất động sản được kỳ vọng tăng trưởng mạnh mẽ
JLL nhận định rằng thị trường công nghiệp và chuỗi cung ứng của Việt Nam đã trở thành một trong những thị trường phát triển nhanh nhất trong khu vực, nhờ sự gia tăng đầu tư từ các tổ chức lớn. Điều này cho thấy sự ổn định, tiêu chuẩn hóa và tính minh bạch của thị trường đang ngày càng được nâng cao.
Không những vậy, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu gặp khó khăn, lĩnh vực nhà xưởng xây sẵn tại Việt Nam vẫn duy trì ổn định, được hỗ trợ bởi sự phục hồi của nền sản xuất và dòng vốn đầu tư FDi. Theo báo cáo của JLL, khi công nghiệp và chuỗi cung ứng tăng trưởng mạnh mẽ, thị trường bắt đầu chú ý đến các tài sản tiềm năng mới như: trung tâm dữ liệu và kho lạnh. Nhờ đó, Việt Nam có tiềm năng sẽ nổi lên như một điểm đến hấp dẫn nhờ vào tình hình kinh tế vĩ mô và cơ cấu dân số thuận lợi.
Xem thêm: Quy trình thuê đất khu công nghiệp cập nhật theo Luật Đất đai 2024