Trong nửa đầu năm 2024, thị trường lao động Việt Nam cho thấy tín hiệu lạc quan về tỷ lệ tham gia lực lượng lao động, việc làm và thu nhập bình quân. Tuy nhiên, những vấn đề về tỷ lệ thanh niên thất nghiệp cao, số lao động phi chính thức lớn, chất lượng lao động còn thấp,… sẽ tạo sức ép lên thị trường lao động nước ta trong giai đoạn nửa cuối năm và cả năm 2024.
Thị trường lao động Việt Nam trong quý II và 6 tháng đầu năm 2024 đã có sự khởi sắc
Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động và số lao động có việc làm tăng
Trong quý II năm 2024, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động đạt 68,6%, số lao động có việc làm đạt hơn 51,4 triệu người, tăng 0,25% so với quý trước và 0,42% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 06 tháng đầu năm 2024, nước ta ghi nhận tổng số lao động có việc làm khoảng 51,4 triệu người, tăng 0,38% so với nửa đầu năm 2023.
Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động và số lao động có việc làm trong quý II/2024 lần lượt tăng 0,1% và 0,25% so với cùng kỳ năm trước
Tỷ lệ lao động có trình độ tăng nhẹ
Trong quý II/2024, tỷ lệ lao động Việt Nam có bằng cấp hoặc chứng chỉ đạt 28,1%, tăng 0,3% so với quý trước và 1,3% so với cùng kỳ năm trước. Cùng với quá trình phát triển kinh tế và công nghiệp hóa, nhu cầu về lao động có trình độ và kỹ năng ngày càng tăng cao. Do đó, việc nâng cao kỹ năng thông qua học tập và đào tạo đã trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu của cả doanh nghiệp và người lao động.
Đây cũng là mối quan tâm của Chính phủ khi khuyến khích các địa phương đầu tư, nâng cao chất lượng giáo dục và mở rộng cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện cho nhiều người lao động có cơ hội học tập và nâng cao trình độ, từ đó thu hút nguồn vốn FDI và DDI chất lượng.
Thu nhập bình quân cải thiện
Thu nhập bình quân tháng của người lao động trong quý II/2024 là 7,5 triệu đồng, tăng 490 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng này cao hơn 1,3 lần so với tốc độ tăng trưởng của quý II/2023. Tính chung nửa đầu năm 2024, thu nhập bình quân hàng tháng lao động Việt Nam là 7,5 triệu đồng, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2023.
Người lao động trong các ngành như sản xuất và phân phối điện, khí đốt, hơi nước, tài chính, ngân hàng và bảo hiểm có mức tăng thu nhập cao hơn so với bình quân của thị trường lao động Việt Nam.
Thị trường lao động Việt Nam 2024 đối mặt với nhiều áp lực
Mặc dù thị trường lao động Việt Nam hiện nay đang có những tín hiệu khởi sắc, nhưng vẫn tồn tại nhiều thách thức như tỷ lệ thanh niên thất nghiệp cao, số lao động phi chính thức lớn, và chất lượng nguồn nhân lực còn thấp.
Tỷ lệ thanh niên thất nghiệp cao
Trong 6 tháng đầu năm 2024, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (từ 15-24 tuổi) duy trì ở mức cao khoảng 8%, tăng 0,49% so với cùng kỳ năm 2023 và cao gấp 3 lần so với tỷ lệ thất nghiệp tính chung trong toàn độ tuổi lao động (2,27%).
Sức ép từ lao động phi chính thức
Thị trường lao động Việt Nam chứng kiến một lượng lớn lao động phi chính thức
Trong 6 tháng đầu năm 2024, số lao động phi chính thức là 33,4 triệu người, chiếm 65% tổng số lao động trên thị trường việc làm ở Việt Nam hiện nay. Tỷ lệ này tăng 0,2% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là nhóm lao động chất lượng thấp, làm những công việc bấp bênh, thiếu tính ổn định và dễ tổn thương khi có khủng hoảng kinh tế.
Chất lượng lao động còn nhiều bất cập
Chất lượng lao động Việt Nam vẫn chưa đáp ứng nhu cầu của một thị trường lao động hiện đại và bền vững. Mặc dù số lao động có bằng cấp và chứng chỉ tăng, nhưng hiện nay vẫn còn hơn 38 triệu lao động chưa qua đào tạo bài bản trên cả nước.
Đồng thời, Việt Nam cũng đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt trầm trọng lao động trình độ cao trong các lĩnh vực thương mại, công nghệ và ngân hàng. Điều này đặt ra thách thức không nhỏ trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng.
Số lao động chưa sử dụng hết tiềm năng cao
Trong năm 2023, có khoảng 2,3 triệu lao động không được sử dụng hết tiềm năng, chiếm 4,3% tổng số lao động. Điều này phần nào cho thấy sự mất cân đối giữa cung và cầu lao động trên thị trường, phản ánh tình trạng dư thừa lao động và vấn đề kết nối cung cầu.
Nguồn tham khảo: Tổng cục Thống kê Việt Nam
Xem thêm: Xuất nhập khẩu Việt Nam 7 tháng đầu năm 2024 tăng 17,2%, triển vọng thương mại tươi sáng
Xem thêm: GDP Việt Nam quý II/2024 ước tăng 6,93% duy trì tăng trưởng ổn định