Việt Nam hiện đang thu hút mạnh mẽ dòng vốn FDI, nhờ những chính sách khuyến khích đầu tư của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, quy trình và thủ tục thành lập công ty vốn nước ngoài tại Việt Nam tương đối phức tạp, đòi hỏi nhà đầu tư cần phải hiểu rõ quy trình thực hiện, từ đó tiến hành đầu tư và kinh doanh hiệu quả.
03 hình thức thành lập công ty vốn đầu tư nước ngoài phổ biến hiện nay
Trong bối cảnh mở cửa kinh tế hiện nay, các nhà đầu tư nước ngoài đứng trước nhiều cơ hội thâm nhập vào thị trường Việt Nam. Hiện nay, ba loại hình công ty có vốn đầu tư nước ngoài phổ biến tại Việt Nam bao gồm:
- Công ty sở hữu 100% vốn nước ngoài: Nhà đầu tư giữ vai trò kiểm soát mọi hoạt động của doanh nghiệp, đồng thời bảo mật các phương thức kinh doanh, bí quyết công nghệ,… một cách tuyệt đối.
- Công ty liên doanh có vốn đầu tư nước ngoài: Hình thức này cho phép nhà đầu tư nước ngoài hợp tác với doanh nghiệp trong nước. Tỷ lệ tham gia quản lý, chia sẻ lợi nhuận và rủi ro sẽ tùy thuộc vào tỷ lệ góp vốn của mỗi bên. Đây là cách hiệu quả để giảm thiểu rủi ro khi bước chân vào thị trường mới, đồng thời tận dụng tối đa nguồn lực sẵn có của các doanh nghiệp Việt Nam.
- Văn phòng đại diện tại Việt Nam: Đây là một hình thức đầu tư đơn giản, thường được các nhà đầu tư lựa chọn trong giai đoạn thăm dò thị trường. Văn phòng đại diện như một cầu nối giữa công ty mẹ ở nước ngoài và khách hàng tại Việt Nam, thực hiện các hoạt động xúc tiến đầu tư kinh doanh, nhưng không trực tiếp tham gia các hoạt động kinh doanh sinh lời.
Quy trình và thủ tục thành lập công ty sở hữu 100% vốn nước ngoài
- Bước 1: Nhà đầu tư nước ngoài cần có giấy chứng nhận đăng ký đầu tư để có thể đầu tư hợp pháp vào các hoạt động sản xuất và kinh doanh tại Việt Nam. Trong trường hợp nhà đầu tư thuê hoặc mua đất trong khu công nghiệp để xây dựng nhà máy, đơn vị cho thuê nhà xưởng hoặc ban quản lý khu công nghiệp sẽ hỗ trợ thủ tục cấp giấy chứng nhận. Đối với những dự án đầu tư đặc thù, nhà đầu tư cần liên hệ với Sở Kế hoạch và Đầu tư để nhận được hướng dẫn cụ thể.
Mẫu giấy chứng nhận đầu tư cho quá trình đăng ký thành lập công ty vốn nước ngoài
- Bước 2: Nhà đầu tư cần xin cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp để xác nhận tư cách pháp nhân của doanh nghiệp tại Việt Nam, nộp hồ sơ tại Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp hoặc Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp tỉnh. Sau khi được cấp giấy chứng nhận và khắc dấu pháp nhân, nhà đầu tư có thể bắt đầu các hoạt động kinh doanh.
- Bước 3: Kê khai và nộp lệ phí môn bài tại cơ quan thuế địa phương trong vòng 30 ngày kể từ thời điểm nhận giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Mức thuế sẽ được xác định dựa trên số vốn đăng ký mà công ty đăng ký.
- Bước 4: Mở tài khoản ngân hàng tại Việt Nam để thực hiện các giao dịch tài chính về sau.
Thời gian dự kiến để hoàn thành quy trình thành lập công ty 100% vốn nước ngoài: 3 – 4 tháng
Nghĩa vụ thuế:
- Nộp lệ phí môn bài (thuế môn bài).
- Kê khai và nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng vào ngân sách Nhà nước Việt Nam theo quy định.
Thủ tục thành lập công ty liên doanh sở hữu vốn nước ngoài
Khi các nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư Việt Nam cùng nhau góp vốn thành lập một doanh nghiệp liên doanh theo hợp đồng hợp tác, thủ tục sẽ tương tự như khi thành lập công ty sở hữu 100% vốn nước ngoài.
Thủ tục đăng ký liên doanh giống với thủ tục thành lập công ty 100% vốn nước ngoài
Trong trường hợp nhà đầu tư nước ngoài muốn trở thành cổ đông của một công ty Việt Nam bằng cách mua cổ phần hoặc phần vốn góp, cần thực hiện các bước sau:
- Bước 1: Nhà đầu tư chuẩn bị hồ sơ đăng ký góp vốn, mua cổ phần, bao gồm: văn bản đăng ký góp vốn, mua cổ phần; giấy tờ xác nhận tư cách pháp lý; văn bản thỏa thuận về góp vốn, mua cổ phần; giấy chứng nhận quyền sử dụng; và nộp trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp hoặc Phòng đăng ký kinh doanh – Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp tỉnh.
- Bước 2: Tiến hành góp vốn, mua cổ phần hoặc cử người đại diện để quản lý, kiểm soát hoạt động đầu tư vào Việt Nam. Trong trường hợp vốn góp trên 51% vốn điều lệ, nhà đầu tư phải góp vốn, chuyển vốn thông qua tài khoản vốn đầu tư trực tiếp.
- Bước 3: Nộp hồ sơ cho Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp tỉnh để thay đổi đăng ký kinh doanh, ghi nhận việc mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài. Đồng thời thay đổi loại hình doanh nghiệp từ công ty Việt Nam sang công ty liên doanh có vốn đầu tư nước ngoài.
Thời gian dự kiến để hoàn thành quy trình góp vốn liên doanh: 3 – 4 tháng
Nghĩa vụ thuế:
- Nộp lệ phí môn bài (thuế môn bài).
- Kê khai và nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng vào ngân sách Nhà nước Việt Nam theo quy định.
Thủ tục thiết lập và đăng ký văn phòng đại diện ở Việt Nam
- Bước 1: Nhà đầu tư cần phải chuẩn bị hồ sơ, gồm: văn bản đề nghị, bản sao giấy phép đăng ký kinh doanh, giấy bổ nhiệm người đứng đầu văn phòng đại diện, bản sao BCTC đã được kiểm toán, bản sao hộ chiếu/CCCD của người đứng đầu, tài liệu về địa điểm dự kiến đặt trụ sở và nộp cho Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp tỉnh hoặc trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
- Bước 2: Tiến hành đăng ký dấu, khắc mẫu dấu và đăng tải trên Cổng thông tin quốc gia Việt Nam.
- Bước 3: Chuẩn bị tờ khai đăng ký mã số thuế, giấy ủy quyền, giấy chứng nhận đăng ký con dấu, giấy phép thành lập văn phòng đại diện. Sau đó, nộp cho Cơ quan thuế để đăng ký MST hoạt động tại Việt Nam.
- Bước 4: Tương tự như thủ tục thành lập công ty vốn nước ngoài, văn phòng đại diện cần mở tài khoản tại ngân hàng được cấp phép hoạt động tại Việt Nam. Tài khoản này sẽ được dùng để nhận tiền từ công ty mẹ ở nước ngoài, chi trả lương cho nhân viên và các chi phí khác.
Thời gian dự kiến để hoàn thành quy trình đăng ký văn phòng đại diện: 6 – 8 tuần
Nghĩa vụ thuế:
- Nộp lệ phí môn bài (thuế môn bài).
- Các nhân viên của văn phòng đại diện có trách nhiệm kê khai và nộp thuế thu nhập cá nhân theo quy định pháp luật.
- Không yêu cầu kê khai, tính nộp thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng.
Xem thêm: Quy trình thuê đất khu công nghiệp cập nhật theo Luật Đất đai 2024
Xem thêm: Vai trò của các loại tổng thầu trong xây dựng nhà máy