Kinh tế Việt Nam và tình hình thu hút vốn đầu tư FDI đang được nhiều chuyên gia dự báo sẽ tăng trưởng tích cực trong năm 2024. Nhận định này hoàn toàn có cơ sở, dựa trên tốc độ tăng trưởng GDP và FDI trong 06 tháng đầu năm lần lượt đạt 6,42% và 13,1%, cao hơn so với cùng kỳ năm 2023.
Tình hình tăng trưởng GDP Quý II/2024
Toàn cảnh bức tranh tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong 06 tháng đầu năm 2024
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê Việt Nam, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý II/2024 đạt tốc độ tăng ước tính 6,93% so với cùng kỳ năm trước, chỉ thấp hơn tốc độ tăng 7,99% của quý II/2022 trong giai đoạn 2020-2024. Tính chung sáu tháng đầu năm 2024, GDP Việt Nam tăng 6,42% và chỉ thấp hơn tốc độ tăng 6,58% của sáu tháng đầu năm 2022 trong giai đoạn 2020 – 2024. Đây là tín hiệu tốt cho thấy xu hướng dần phục hồi của nền kinh tế Việt Nam năm 2024.
Đóng góp nhiều nhất vào sự tăng trưởng GDP đến từ khu vực dịch vụ khoảng 49,76% (với mức tăng đạt 6,64%). Theo sau là khu vực công nghiệp và xây dựng đóng góp 44,28% vào đà tăng (với mức tăng 7,51%) và khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đóng góp 5,96% với mức tăng 3,38%.
Câu chuyện kỳ vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2024
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương phát biểu kỳ vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2024 tại Hội nghị
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, tình hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam quý II và 06 tháng đầu năm 2024 rất tích cực, đặc biệt trong quý II khi mức tăng trưởng được đánh giá là đột phá, tạo tiền đề tốt cho việc đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết 01 của Chính Phủ. Dựa trên kết quả tích cực ấy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nghiên cứu xây dựng 02 phương án kịch bản để trình Chính Phủ.
- Kịch bản 01: Tăng trưởng GDP cả năm được kỳ vọng đạt 6,5%, mức gần với mục tiêu do Quốc hội đặt ra. Trong đó, tăng trưởng GDP quý III dự kiến là 6,5% và quý IV là 6,6% (Trước đó tại Nghị quyết 01/NQ-CP, mức kỳ vọng cho quý III là 6,7% và quý IV là 7,0%).
- Kịch bản 02: Tăng trưởng GDP cả năm được kỳ vọng đạt 7%. Trong đó, tăng trưởng GDP Quý III dự kiến là 7,4% và quý IV là 7,6% (Trước đó tại Nghị quyết 01/NQ-CP, mức kỳ vọng cho quý III và quý IV lần lượt là 6,7% và 7,0%)
Trong hai phương án, kịch bản 02 đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư kỳ vọng và mạnh dạn kiến nghị với Chính Phủ, từ đó có những chỉ đạo quyết liệt, phấn đấu khắc phục những hạn chế còn tồn đọng. Việc Bộ đề ra mục tiêu phấn đấu tăng trưởng GDP 7% trong năm 2024 dựa trên 06 yếu tố tác động chính.
- Xu hướng tăng trưởng tích cực từ nước và khu vực trên thế giới.
- Động lực đầu tư với sự phục hồi của đầu tư tư nhân, doanh nghiệp Nhà nước và sự tăng lên của đầu tư FDI.
- Xuất khẩu phục hồi và tỷ lệ các doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu tăng lên nhanh chóng.
- Du lịch và tiêu dùng tăng trưởng.
- Các chính sách và quy định pháp mới chuẩn bị ban hành và có hiệu lực từ ngày 01/08/2024 sẽ kỳ vọng giúp thị trường bất động sản phục hồi.
- Sự chỉ đạo và điều hành quyết liệt của Quốc hội, Chính phủ và các Bộ ngành liên quan trong việc thúc đẩy mục tiêu tăng trưởng.
Dự kiến kết quả thu hút FDI trong năm 2024
Tình hình thu hút FDI của Việt Nam 2024 được đánh giá khả quan
Xét về khả năng thu hút FDI, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, đến nay, 06 tháng đầu năm 2024, kết quả duy trì ở mức khá. Tổng vốn đầu tư FDI Việt Nam trong nửa đầu năm 2024 đạt 15,19 tỷ USD với mức tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2023. Con số này bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài. Đây cũng là số vốn FDI thực hiện trong 06 tháng đầu năm cao nhất giai đoạn 2020 – 2024.
Cụ thể, tính lũy kế đến tháng 06/2024, Việt Nam có 40.544 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 484,77 tỉ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án FDI ước đạt 308 tỷ USD, bằng 63,5% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực. Về đối tác đầu tư, có 84 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam trong 06 tháng cuối năm, trong đó các đối tác đầu tư lớn nhất là: Singapore chiếm 36,7% tổng vốn đầu tư, Nhật Bản (11,4%), Hồng Kông (12,4%), Trung Quốc (10,6%), Thổ Nhĩ Kỳ (7.7%),… Những ngành nghề thu hút vốn đầu tư FDI nhiều nhất là: ngành công nghiệp chế biến chế tạo, kinh doanh bất động sản, bán lẻ, công nghệ,…
Với đà phục hồi FDI khá tốt hiện nay, Thứ trưởng Trần Quốc Phương kỳ vọng vốn đầu tư FDI Việt Nam cả năm 2024 có thể đạt ở mức 39 – 40 tỷ USD, cao hơn so với cùng kỳ năm 2023. Ngoài ra, chuyên gia kinh tế, GS-TS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nước ngoài cũng nhận định vốn FDI đăng ký mới và mở rộng đầu tư có thể đạt 35 – 37 tỷ USD, vốn thực hiện đạt 23 – 25 tỷ USD trong năm 2024. Kỳ vọng này hoàn toàn có cơ sở nhờ 03 yếu tố cốt lõi.
- Vốn FDI ngày càng trở nên quan trọng trong chiến lược đa dạng hóa chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia, đặc biệt trong các lĩnh vực như công nghiệp, công nghệ, và năng lượng tái tạo. Đây đều là những ngành mà Việt Nam có nhiều triển vọng đầu tư và dự kiến sẽ thu hút các doanh nghiệp lớn như: Samsung, Intel, Qualcomm, Amkor,…
- Kinh tế Việt Nam 2024 hiện đang phục hồi tốt và còn nhiều dư địa phát triển, thể hiện qua tốc độ tăng trưởng GDP ước tính ấn tượng trong quý II.
- Tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam ổn định. Mặc dù gặp nhiều khó khăn liên quan tới vấn đề tỷ giá hối đoái, giá cả hàng hóa…, Chính phủ Việt Nam vẫn đang duy trì tỷ lệ lạm phát cơ bản ở mức thấp, khoảng 2% và chỉ số CPI bình quân khoảng 4%. Tính ổn định cũng là một trong những tiêu chí hàng đầu nhà đầu tư quan tâm trước khi quyết định rót vốn.
Nguồn tham khảo: Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tạp chí Ngân hàng
Xem thêm: Xuất nhập khẩu Việt Nam 7 tháng đầu năm 2024 tăng 17,2%, triển vọng thương mại tươi sáng
Xem thêm: Hơn 18 tỷ USD vốn đầu tư FDI vào Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2024