Thursday, October 3, 2024
Trang chủXã hộiLương công nhân Việt Nam và tâm lý khi đàm phán lương

Lương công nhân Việt Nam và tâm lý khi đàm phán lương

Lương công nhân Việt Nam chỉ khoảng 305,5 USD/tháng, thấp hơn so với nhiều quốc gia trong khu vực như: Nhật Bản, Thái Lan, Malaysia,… Điều này giúp doanh nghiệp tối ưu chi phí nhân công và giảm áp lực tài chính. Để tận dụng tốt lợi thế này, cũng như thu hút nguồn nhân sự tiềm năng, doanh nghiệp cần đặc biệt chú ý đến tâm lý của người lao động khi đàm phán lương.

Lương công nhân Việt Nam tương đối thấp

Theo báo cáo từ Manpower Group, tính đến hết năm 2023, mức lương trung bình công nhân Việt Nam nhận được hàng tháng đạt 296 USD, tương đương gần 7,3 triệu đồng (tính theo tỷ giá cập nhật đến ngày 12/09/2024). Trong 6 tháng đầu năm 2024, con số này đã tăng lên đến 305,5 USD, tương đương 7,5 triệu đồng (Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê Việt Nam)
Tuy đã có sự cải thiện, nhưng lương công nhân Việt Nam vẫn còn thấp hơn so với mức trung bình của toàn thế giới (khoảng 811 USD theo số liệu của Zippia 2023). Con số này cũng thấp hơn nhiều so với các quốc gia khác trong khu vực và trên toàn cầu như: Trung Quốc với 990 USD, Malaysia với 982 USD, và Nhật Bản với 3.854 USD.

04 đặc điểm tâm lý của lao động Việt Nam khi đàm phán lương

Muốn có mức lương cao và phù hợp

Theo Bản tin thị trường lao động quý II/2024, được công bố bởi Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, 37,7% số người đang tìm việc làm tại Việt Nam mong muốn mức lương từ 5 – 10 triệu đồng. Khoảng 29% đặt mục tiêu mức lương từ 10 – 15 triệu đồng, và 18,7% kỳ vọng mức thu nhập từ 15 – 21 triệu đồng. Sau đại dịch Covid-19, với sự gia tăng của lạm phát và nhu cầu chi tiêu ngày càng cao, nhiều người lao động mong muốn mức lương của họ sẽ được tăng đều đặn hàng năm, ít nhất là 10%, thay vì chỉ 6% như đề xuất của các công đoàn. Điều này thường dễ nhận thấy ở các ngành nghề đòi hỏi tay nghề cao và nhiều kinh nghiệm.

Lương công nhân Việt Nam mong muốn rơi vào khoảng 5 -10 triệu đồng

Lương công nhân Việt Nam mong muốn rơi vào khoảng 5 -10 triệu đồng

Mặc khác, một bộ phận lao động sẵn sàng chấp nhận mức thu nhập thấp hơn do nền kinh tế gặp khó khăn và cơ hội việc làm ngày càng khan hiếm. Xu hướng này trở nên phổ biến, đặc biệt là trong lĩnh vực phi chính thức, khi những người lao động thường không có bằng cấp, trình độ chuyên môn thấp; dễ bị đào thải; và nhạy cảm với biến động thị trường. Ngoài ra, trong quý III/2024, ngành sản xuất thiết bị điện và sửa chữa máy móc thiết bị được dự đoán sẽ giảm nhu cầu việc làm. Vậy nên, nhiều lao động trong ngành này sẵn sàng làm việc với mức lương thấp, chỉ mong có thể trụ lại trước làn sóng sa thải (layoff).

Muốn môi trường làm việc tiện nghi và hiện đại

Phần lớn công nhân Việt Nam mong muốn được làm việc trong một môi trường an toàn, với đầy đủ các tiện nghi như: hệ thống điều hòa, thông gió đảm bảo không khí trong lành, cùng với ký túc xá, căng tin phục vụ các nhu cầu sinh hoạt hằng ngày. Những điều kiện này không chỉ giúp bảo vệ sức khỏe người lao động mà còn góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, tạo ra giá trị bền vững cho doanh nghiệp.

Muốn được tôn trọng và đối xử bình đẳng

Công nhân Việt Nam được biết đến với tinh thần tự tôn cao, họ luôn mong muốn nhận được sự tôn trọng và đối xử công bằng trong môi trường làm việc. Đặc biệt, họ rất chú trọng đến cách quản lý và việc tính sản lượng của nhà máy có hợp lý và minh bạch hay không. Có thể nói, tính công bằng trong công việc luôn là mối quan tâm hàng đầu của mọi người lao động.

Sẵn sàng tăng ca, làm thêm giờ

Tương tự như nhiều quốc gia đang phát triển khác, người lao động Việt Nam có xu hướng làm thêm giờ, tăng ca để nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống. Theo số liệu từ Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam năm 2023, có tới 76,2% người lao động được khảo sát tự nguyện làm thêm, với số giờ làm thêm trung bình mà họ mong muốn là khoảng 47,3 giờ mỗi tháng.

03 lưu ý dành cho doanh nghiệp khi đàm phán lương với lao động Việt Nam

Đưa ra mức lương hợp lý

Doanh nghiệp nên cung cấp thông tin, trao đổi và thống nhất với người lao động, ngay từ vòng phỏng vấn, về các chính sách liên quan đến lương thưởng, làm thêm giờ, bảo hiểm,… Doanh nghiệp có thể cập nhật mức lương trung bình công nhân Việt Nam nhận được theo từng ngành, trong từng giai đoạn để có phương án về chi trả lương phù hợp nhất.

Điều này giúp đôi bên nhận thức đầy đủ về quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ của nhau. Đồng thời, tạo điều kiện cho sự hợp tác suôn sẻ trong công việc. Hơn nữa, cách tiếp cận minh bạch này sẽ giúp doanh nghiệp thu hút được những ứng viên phù hợp, và thúc đẩy môi trường làm việc cạnh tranh lành mạnh, công bằng.

Cung cấp đãi ngộ, phúc lợi hấp dẫn

Doanh nghiệp tặng quà Tết cho người lao động

Doanh nghiệp tặng quà Tết cho người lao động

Việc xây dựng chế độ đãi ngộ hấp dẫn như: thưởng tháng lương thứ 13, du lịch thường niên, cung cấp khu nghỉ giữa ca, nhà ăn và ký túc xá cho công nhân. sẽ giúp họ có thêm động lực làm việc và cảm thấy gắn bó hơn với doanh nghiệp. Những phúc lợi này không chỉ giúp người lao động tiết kiệm chi phí sinh hoạt mà còn khiến họ cảm nhận được giá trị và quyền lợi khi làm việc tại công ty. Nhờ vậy, họ sẽ tập trung và cống hiến cho công việc nhiều hơn, từ đó nâng cao năng suất lao động.

Quan tâm đến cơ sở hạ tầng, điều kiện làm việc

Muốn thu hút lao động chất lượng cao, chủ đầu tư nên chú trọng đến cơ sở hạ tầng và điều kiện làm việc. Bởi lẽ, cùng một mức lương, những doanh nghiệp có môi trường làm việc tốt, hạ tầng hiện đại và tiện nghi sẽ dễ dàng thu hút người lao động hơn. Đồng thời, khi làm việc trong một môi trường tốt, bình đẳng, người lao động cũng sẽ cảm thấy an tâm hơn và sẵn sàng mang lại nhiều giá trị cho công ty. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp áp dụng công nghệ, thiết bị tiên tiến vào quá trình quản lý và chấm công nhằm xây dựng một hệ thống minh bạch, công bằng, đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

Xem thêm: Cập nhật mới nhất về lương cơ bản và đãi ngộ dành cho người lao động

Xem thêm: Tăng lương cơ bản tác động như thế nào đến các doanh nghiệp Việt Nam

spot_img

Tin mới

Tin liên quan