Muốn kinh doanh hiệu quả tại thị trường Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài cần phải tìm hiểu và cập nhật những quy định và điều khoản mới nhất trong Luật Đầu tư Việt Nam. Điều này giúp tạo nên môi trường kinh doanh lành mạnh, bền vững, nơi mà các doanh nghiệp tối ưu hóa lợi nhuận và được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp tại Việt Nam.
Quy định về điều kiện đầu tư
Hiện tại, các quy định về đầu tư tại Việt Nam trong năm 2024 được áp dụng theo Luật Đầu tư 2020 có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2021.
Hình thức đầu tư
Nhà đầu tư nước ngoài có thể tiến hành đầu tư theo hai phương thức chính: đầu tư gián tiếp hoặc đầu tư trực tiếp. Cụ thể, các hình thức đầu tư được quy định trong Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam mới nhất bao gồm:
- Đầu tư thiết lập các tổ chức kinh tế.
- Đầu tư bằng cách góp vốn hoặc mua cổ phần, mua phần vốn góp đã phát hành
- Triển khai dự án đầu tư.
- Đầu tư thông qua hợp đồng BCC.
- Các phương thức đầu tư và loại hình tổ chức kinh tế mới theo quy định của Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Nhà đầu tư nước ngoài có thể lựa chọn hình thức đầu tư phù hợp khi thâm nhập vào thị trường Việt Nam
Ngành nghề lĩnh vực bị cấm đầu tư
Theo Luật Đầu tư Việt Nam 2020, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có thể tham gia kinh doanh trong hầu hết mọi lĩnh vực, ngoại trừ các ngành nghề sau:
- Kinh doanh các chất ma túy.
- Kinh doanh các loại hóa chất và khoáng vật nguy hiểm.
- Kinh doanh mẫu vật các loại động thực vật hoang dã.
- Kinh doanh mại dâm.
- Mua bán, trao đổi trái phép người và bộ phận cơ thể người
- Hoạt động liên quan đến nhân bản vô tính con người.
- Kinh doanh pháo nổ.
- Kinh doanh dịch vụ đòi nợ.
Sở hữu vốn điều lệ
Nhà đầu tư nước ngoài không bị giới hạn về tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ trong tổ chức kinh tế, ngoại trừ các trường hợp sau:
- Đầu tư vào các công ty, quỹ đầu tư chứng khoán hay các tổ chức kinh doanh.
- Đầu tư vào các doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hóa.
- Trong các trường hợp khác, nhà đầu tư nước ngoài sẽ tuân theo quy định của pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư nước ngoài theo Luật Đầu tư Việt Nam 2020
Sở hữu và sử dụng đất đai
Khi các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, nhà đầu tư có thể có quyền sử dụng đất thông qua các hình thức dưới đây:
- Nhận vốn góp thông qua chuyển nhượng quyền sử dụng đất
- Nhận quyền sử dụng đất từ nhà nước thông qua hình thức cho thuê.
Nếu doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài muốn nhận quyền sử dụng đất của cá nhân hay hộ gia đình, họ cần phải xin phép cơ quan có thẩm quyền và thương lượng với người sở hữu đất. Sau khi thỏa thuận xong, nhà nước sẽ thu hồi đất và tiến hành bồi thường cho hộ gia đình, cá nhân. Sau đó, nhà nước sẽ giao đất hoặc cho doanh nghiệp thuê.
Quyền sử dụng đất thuê của nhà đầu tư nước ngoài
Khi thuê đất tại Việt Nam, nhà đầu tư có những quyền lợi liên quan như sau:
- Thanh toán tiền thuê đất hàng năm
- Thanh toán toàn bộ tiền thuê một lần trong suốt thời gian thuê.
- Chuyển nhượng quyền sử dụng đất cùng tài sản gắn liền với đất thuê.
- Cho thuê lại đất và tài sản gắn liền với đất đang thuê.
- Góp vốn đầu tư bằng quyền sử dụng đất và các tài sản gắn liền với đất.
- Thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản liên quan đến đất cho các tổ chức tín dụng tại Việt Nam trong thời gian hợp đồng thuê có hiệu lực.
06 quyền của nhà đầu tư nước ngoài đối với đất thuê theo Luật Đầu tư Việt Nam 2020
Ưu đãi đầu tư nước ngoài
Khi đầu tư vào thị trường Việt Nam, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ nhận được nhiều ưu đãi về thuế, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình kinh doanh:
- Doanh nghiệp có thể hưởng mức thuế suất ưu đãi là 10% trong thời gian tối đa lên đến 15 năm hoặc 20% cho thời hạn lên đến 10 năm. Ngoài ra, doanh nghiệp còn được miễn hoặc giảm thuế trong thời gian tối đa 9 năm, và được phép chuyển lỗ để giảm bớt thu nhập chịu thuế trong vòng 5 năm.
- Nhà đầu tư sẽ được miễn thuế nhập khẩu đối với các loại hàng hóa nhập khẩu như: máy móc, nguyên liệu, linh kiện dùng để tạo tài sản cố định hoặc sản xuất theo quy định của pháp luật.
- Nhà đầu tư có thể được miễn hoặc giảm tiền thuê đất, sử dụng đất, thuế sử dụng đất theo các quy định hiện hành.
- Doanh nghiệp được phép khấu hao nhanh tài sản và tăng mức chi phí khấu trừ khi tính thu nhập chịu thuế.
Thủ tục cấp giấy phép đầu tư (IRC) tại Việt Nam
Nếu muốn đầu tư tại Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài cần phải xin cấp Giấy chứng nhận đầu tư (hay Giấy đăng ký đầu tư, giấy phép đầu tư – IRC). Thủ tục này bao gồm một số loại giấy tờ sau:
- Văn bản đề nghị cấp phép.
- Tài liệu chứng minh tư cách pháp lý.
- Đề xuất dự án đầu tư.
- Hồ sơ chứng minh khả năng tài chính.
- Đề xuất nhu cầu sử dụng đất.
- Giải trình về công nghệ áp dụng.
Nhà đầu tư nước ngoài cần phải có dự án cụ thể và thực hiện theo thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trước khi tiến hành thành lập tổ chức kinh tế tại Việt Nam. Trong trường hợp thành lập doanh nghiệp nhỏ và vừa hoặc triển khai các dự án khởi nghiệp, quy trình thực hiện sẽ tuân theo các quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Điều chỉnh và giải quyết tranh chấp đầu tư
Luật Đầu tư Việt Nam năm 2020 đã đưa ra những quy định rõ ràng về cách thức giải quyết tranh chấp trong hoạt động đầu tư kinh doanh:
- Khi có tranh chấp liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, các bên liên quan ưu tiên thương lượng và hòa giải. Nếu không đạt được thỏa thuận, thì sẽ giải quyết theo các quy định tại khoản 2, 3 và 4 Điều 14 Luật Đầu tư Việt Nam 2020.
- Tranh chấp giữa các nhà đầu tư, trong đó có ít nhất một bên là nhà đầu tư nước ngoài, sẽ được giải quyết tại một trong những cơ quan sau: Tòa án Việt Nam, trọng tài Việt Nam, trọng tài quốc tế, trọng tài nước ngoài hoặc một hội đồng trọng tài mà các bên đã thỏa thuận cùng lập ra.
- Trường hợp tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài và cơ quan nhà nước, vấn đề sẽ được xử lý tại Tòa án Việt Nam hoặc Trọng tài Việt Nam.
Quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư nước ngoài
Quyền lợi của nhà đầu tư nước ngoài được bảo đảm trong trường hợp có sự thay đổi quy định pháp luật tại Việt Nam như sau:
- Trong trường hợp văn bản pháp luật mới đưa ra mức ưu đãi đầu tư tốt hơn, nhà đầu tư có quyền được hưởng các ưu đãi mới này cho đến khi dự án kết thúc. Tuy nhiên, điều này không áp dụng đối với những ưu đãi đặc biệt theo điểm a khoản 5 Điều 20 của Luật Đầu tư Việt Nam 2020.
- Nếu quy định pháp luật mới có ưu đãi kém hấp dẫn hơn, nhà đầu tư vẫn được tiếp tục áp dụng các ưu đãi trước đó cho đến khi hết thời hạn hưởng ưu đãi.
Các ưu đãi đầu tư được bảo đảm thông qua giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, giấy phép đầu tư, và các văn bản chính thức khác do cơ quan nhà nước cấp theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, các ưu đãi này sẽ không được áp dụng nếu có thay đổi liên quan tới an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, sức khỏe cộng đồng và các vấn đề liên quan bảo vệ môi trường.
Khi đã hoàn thành các nghĩa vụ tài chính, nhà đầu tư nước ngoài có quyền chuyển tài sản ra ngoài lãnh thổ Việt Nam, bao gồm vốn, các khoản thanh lý đầu tư, thu nhập từ hoạt động đầu tư, và các tài sản hợp pháp khác.
Chính phủ Việt Nam luôn cam kết đảm bảo quyền lợi của các nhà đầu tư nước ngoài một cách hợp pháp
Để thu hút thêm dòng vốn đầu tư nước ngoài, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra nhiều chính sách ưu đãi hấp dẫn nhằm đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho các nhà đầu tư. Ngày 16/10/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khẳng định 3 cam kết thiện chí và quan trọng trong hội nghị với các doanh nghiệp FDI:
- Bảo vệ các quyền lợi hợp pháp của các nhà đầu tư nước ngoài trong bất kỳ tình huống nào.
- Luôn đồng hành và hỗ trợ các nhà đầu tư nước ngoài hoạt động lâu dài tại Việt Nam.
- Tránh việc hình sự hóa các quan hệ dân sự và kinh tế, hướng tới môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng và an toàn.
Nguồn tham khảo: Luật đầu tư 2020, Văn bản hợp nhất 28/VBHN-VPQH, Bộ Tư pháp
Xem thêm: Quy trình thuê đất khu công nghiệp cập nhật theo Luật Đất đai 2024
Xem thêm: Top 10 các công ty xây dựng công nghiệp – đảm bảo hiệu quả ngân sách