Thursday, October 3, 2024
Trang chủCông nghệLĩnh vực công nghệ cao rộng mở cánh cửa đón dòng vốn...

Lĩnh vực công nghệ cao rộng mở cánh cửa đón dòng vốn FDI

Với sự tham gia của nhiều “đại bàng” công nghệ như: Samsung, Intel, Amkor,…, dòng vốn FDI vào Việt Nam đang có xu hướng dịch chuyển mạnh mẽ vào các lĩnh vực công nghệ cao, bao gồm sản xuất chip, chất bán dẫn và linh kiện điện tử. Để tận dụng hiệu quả cơ hội này, nước ta cần duy trì nền kinh tế vĩ mô ổn định, đẩy mạnh đầu tư hạ tầng cũng như chú trọng phát triển nguồn lao động.

Quỹ đầu tư nước ngoài ưu ái các startup công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo

Đánh giá về xu hướng đầu tư của các quỹ nước ngoài năm 2024, bà Nguyễn Ngọc Hương Thảo, đại diện Quỹ đầu tư AVV, nhận định rằng thị trường mới nổi như Việt Nam đang mang đến vô vàn cơ hội, mở ra nhiều tiềm năng phát triển cho các startup trong hầu hết tất cả lĩnh vực.

Bà Thảo chia sẻ thêm rằng một số ngành vẫn luôn được các quỹ đầu tư nước ngoài ưu ái hơn nhờ vào quy mô thị trường lớn và thời cơ thuận lợi mà chúng mang lại. Điển hình là các lĩnh vực như: công nghệ giáo dục, công nghệ tài chính, hay trí tuệ nhân tạo. Đây đều là những ngành tiềm năng, phù hợp với xu thế phát triển của khu vực và thế giới, hiện đang thu hút sự chú ý của nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn.

Công nghệ cao là một trong những ngành thu hút FDI mạnh mẽ tại Việt Nam

Công nghệ cao là một trong những ngành thu hút FDI mạnh mẽ tại Việt Nam

Mặc dù có nhiều thuận lợi, việc gọi vốn từ quỹ ngoại của các startup công nghệ tài chính, giáo dục và trí tuệ nhân tạo trong năm 2024 có thể gặp nhiều trở ngại, do nền kinh tế toàn cầu gặp khó khăn, rủi ro địa chính trị, chuỗi cung ứng bị đứt gãy,… Để giải quyết vấn đề này, bà Hoàng Thị Kim Dung, Giám đốc Quốc gia của Genesia Ventures Vietnam, khuyến khích các startup cần tập trung vào việc củng cố nội lực.

Cụ thể, thay vì triển khai nhiều chiến lược tốn kém chi phí nhằm lôi kéo hàng bằng mọi giá, bà Dung nhấn mạnh sự cần thiết của việc chú trọng vào sản phẩm cốt lõi, cung cấp giá trị thực tiễn, từ đó tạo sự gắn bó với khách hàng và đảm bảo nền tảng phát triển bền vững. Nói cách khác, tập trung phát triển sản phẩm cốt lõi là chìa khóa quan trọng giúp thu hút vốn đầu tư, đặc biệt từ các quỹ lớn nước ngoài.

Bên cạnh vấn đề sản phẩm, ông Trần Hoài Văn, Giám đốc vận hành của Actable AI, đặc biệt quan tâm đến mô hình kinh doanh của doanh nghiệp. Ông chia sẻ rằng một mô hình kinh doanh hiệu quả, phù hợp với nhu cầu thị trường và có tiềm năng mở rộng sang các thị trường mới là yếu tố then chốt giúp doanh nghiệp thu hút vốn đầu tư dễ dàng. Khi mô hình kinh doanh được triển khai đúng hướng, vấn đề vốn đầu tư sẽ không còn là thách thức lớn.

Doanh nghiệp công nghệ cao đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam

Trong những năm gần đây, đặc biệt từ sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 50 vào tháng 8/2019, dòng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam đã trở nên chọn lọc hơn. Nghị quyết 50, với mục tiêu hoàn thiện thể chế, chính sách và nâng cao chất lượng hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030, đã góp phần định hướng dòng vốn đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao, có tiềm năng lan tỏa mạnh mẽ và tạo sức ảnh hưởng lớn.

Kết quả là Việt Nam đã thành công trong việc thu hút nhiều dự án FDI chất lượng, tập trung vào các ngành công nghệ cao như: sản xuất chip bán dẫn, linh kiện điện tử và điện thoại. Một ví dụ tiêu biểu là Tập đoàn Amkor đã đầu tư 1,6 tỷ USD vào Khu công nghiệp công nghệ cao Yên Phong 2 tại tỉnh Bắc Ninh để xây dựng nhà máy chuyên về sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm vật liệu cùng thiết bị bán dẫn.

Không chỉ dừng lại ở Bắc Ninh, nhiều địa phương khác cũng tích cực đón nhận dòng vốn FDI. Vào tháng 9/2023, Hana Micron Vina, một doanh nghiệp Hàn Quốc chuyên sản xuất và gia công bảng vi mạch tích hợp cho các thiết bị điện tử thông minh, đã chính thức khánh thành nhà máy sản xuất chất bán dẫn tại Khu công nghiệp Vân Trung, huyện Việt Yên, Bắc Giang.

Năm 2023, tập đoàn Quanta từ Đài Loan (Trung Quốc) đã tiến hành ký kết thỏa thuận với tỉnh Nam Định để đầu tư 120 triệu USD vào dự án sản xuất máy tính xách tay và máy tính bàn tại Khu công nghiệp Mỹ Thuận. Cùng năm, Hải Phòng cấp phép điều chỉnh tăng vốn cho dự án Nhà máy LG Innotek, nâng tổng vốn đầu tư lên hơn 2 tỷ USD để xây dựng nhà máy sản xuất module camera, dự kiến tạo thêm 2.600 việc làm mới và mang lại lợi nhuận hàng năm khoảng 400 triệu USD.

Nhà máy LG Innotek tại Hải Phòng

Nhà máy LG Innotek tại Hải Phòng

Có thể thấy, với hàng loạt dự án được triển khai trong năm 2023, cùng sự hiện diện của nhiều “đại bàng” công nghệ như: LG, Amkor, Quanta, Samsung,… Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng khích lệ trong việc thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghệ cao và thúc đẩy chuyển giao công nghệ. Năm 2023, nước ta đã thu hút hơn 38.000 dự án FDI thuộc lĩnh vực công nghệ cao, với tổng vốn đăng ký hơn 453 tỷ USD. Trong đó, vốn thực hiện lũy kế đạt 287 tỷ USD, chiếm 63,3% tổng số vốn đăng ký.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam đang cho thấy một xu hướng mới, khi ngày càng tập trung vào các lĩnh vực công nghệ xanh, sạch và những ngành có hàm lượng công nghệ cao như: sản xuất chip và chất bán dẫn. Đây là tín hiệu tích cực, đánh dấu sự phát triển của dòng vốn FDI tại Việt Nam trong những năm gần đây.

Tuy nhiên, để có thể tận dụng tốt cơ hội và thúc đẩy sự phát triển của dòng vốn FDI trong tương lai, Việt Nam nên tiếp tục duy trì nền kinh tế vĩ mô ổn định, song cần phải xây dựng các chính sách ưu đãi hợp lý về thuế, phí và đất đai. Đồng thời, đầu tư đồng bộ vào hạ tầng kỹ thuật cho các khu công nghiệp, nhà xưởng, cùng hệ thống điện, nước và các tiện ích xã hội, đặc biệt chú trọng vào việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong nước.

Xem thêm: Google dự kiến xây dựng siêu trung tâm dữ liệu tại Việt Nam

Xem thêm: 03 lợi thế giúp Việt Nam thu hút FDI phát triển trung tâm dữ liệu

spot_img

Tin mới

Tin liên quan