Thursday, October 3, 2024
Trang chủMôi trườngDoanh nghiệp Việt Nam và bài toán ESG

Doanh nghiệp Việt Nam và bài toán ESG

ESG là bộ tiêu chuẩn đánh giá liên quan đến phát triển bền vững và mức độ tác động của doanh nghiệp đến cộng đồng. Dù nhận thức rõ tầm quan trọng của ESG trong công tác bảo vệ môi trường, xã hội, nhưng nhiều công ty vẫn chưa sẵn sàng triển khai chiến lược ESG do thiếu sự chuẩn bị, khó khăn tài chính và thiếu sự thống nhất giữa các quy chuẩn.

Tốc độ tăng trưởng khí thải Việt Nam thuộc top đầu thế giới

Trong suốt ba thập kỷ qua, nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào các nhiên liệu hóa thạch (than đá), là nguyên nhân chính cho xu hướng gia tăng phát thải khí nhà kính (GHG). Thống kê năm 2022 cho thấy, Việt Nam phát thải 344 triệu tấn CO2/năm, trong đó 63,3% lượng phát thải đến từ ngành năng lượng. Hiện nay, Việt Nam xếp hạng thứ 21 toàn cầu và đứng thứ 2 ở khu vực Đông Á về lượng phát thải khí nhà kính. Tốc độ tăng trưởng khí thải của Việt Nam thậm chí còn vượt qua cả Philippines và Trung Quốc.

Trong giai đoạn từ năm 2000 đến 2015, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng từ 390 USD lên 2.000 USD, nhưng cùng với đó, lượng khí thải trên đầu người cũng tăng gấp bốn lần. Có thể thấy, mức độ ô nhiễm không khí đang ngày càng trở nên nghiêm trọng ở nước ta, đặc biệt là ở các khu đô thị và thành phố lớn như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh,…

Nếu không có sự thay đổi trong chính sách, công nghệ, công nghiệp, lượng khí thải nhà kính của Việt Nam dự kiến có thể tăng gấp 3,5 lần vào năm 2050 (giai đoạn 2020 – 2050). Điều này có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến những nỗ lực của Việt Nam trong việc cải thiện các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị (ESG) trong suốt thời gian qua.

Biểu đồ thể hiện xu hướng phát thải khí nhà kính tại Việt Nam

Biểu đồ thể hiện xu hướng phát thải khí nhà kính tại Việt Nam

Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc đối phó với biến đổi khí hậu, đặc biệt trong cuộc chiến giảm phát thải khí GHG, Việt Nam quyết tâm mạnh mẽ nhằm đạt mục tiêu phát thải ròng bằng “0” trong năm 2050. Nỗ lực ấy đang được hỗ trợ bởi các chính sách và quy định liên quan đến ESG, được thiết kế nhằm khuyến khích doanh nghiệp tham gia tích cực vào công cuộc chính phục các mục tiêu ESG quốc gia.

03 thách thức chính cản trở doanh nghiệp triển khai ESG

Dù đã có sự tiến bộ, chuyển biến trong công tác bảo vệ môi trường, nhiều doanh nghiệp Việt Nam hiện nay vẫn đang gặp không ít khó khăn trong quá trình tuân thủ và thực hành các tiêu chuẩn ESG.

Một trong những thách thức lớn nhất mà các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, phải đối mặt chính là sự thiếu chuẩn bị trước khi bắt đầu thực hành tiêu chuẩn ESG. Bên cạnh vấn đề liên quan đến công tác chuẩn bị, sự thiếu thống nhất trong các tiêu chuẩn, tiêu chí từ nhiều tổ chức khác nhau như: ISO26000, VNSI hay CSI, đã gây không ít cản trở đối với quá trình đưa ra quyết định. Điều này khiến các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc lựa chọn và triển khai hoạt động phát triển bền vững phù hợp.

Hạn chế về tài chính, công nghệ cũng là một trong những rào cản lớn đối với việc áp dụng ESG. Để tuân thủ quy định ESG từ Chính phủ, các doanh nghiệp niêm yết cần theo dõi và đánh giá các chỉ số hiệu suất một cách liên tục, sau đó công bố báo cáo ESG hàng năm. Điều này đòi hỏi nguồn lực tài chính lớn và khả năng sử dụng công nghệ cao, những yếu tố mà các doanh nghiệp vừa và nhỏ còn thiếu.

Ngoài ra, dữ liệu liên quan đến ESG thường phức tạp, gây khó khăn trong việc thu thập và đảm bảo chất lượng. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp gặp nhiều trở ngại khi xử lý và phân tích những dữ liệu này do sự thiếu rõ ràng trong các quy tắc thu thập, lập báo cáo, số hóa dữ liệu. Điều này có thể dẫn đến sự thiếu xác thực hoặc không đồng nhất về nguồn gốc cũng như chất lượng dữ liệu, khiến việc so sánh và đánh giá hiệu quả thực hiện ESG của doanh nghiệp trở nên khó khăn hơn.

Chính phủ và doanh nghiệp chung tay nâng cao hiệu quả triển khai ESG

Về phía Chính phủ, tại Hội thảo “ESG – Chìa khóa cho phát triển bền vững: Giải pháp thúc đẩy doanh nghiệp thực hành ESG hiệu quả”, tiến sĩ Trần Du Lịch, Phó Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cho rằng Nhà nước Việt Nam cần sớm hoàn thiện cơ chế, chính sách, và các quy định pháp lý minh bạch, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong việc nắm vững và thực hiện ESG.

Chính phủ cần cải thiện những chính sách, quy định về ESG

Chính phủ cần cải thiện những chính sách, quy định về ESG

Việc xây dựng khung pháp lý và các chính sách đồng bộ sẽ giúp chính quyền và doanh nghiệp áp dụng các tiêu chuẩn mới một cách hiệu quả, hạn chế phát sinh rủi ro, đồng thời theo kịp xu hướng quốc tế một cách nhanh chóng và an toàn.

Về phía doanh nghiệp, báo cáo Delta West khuyến khích công ty Việt Nam thiết lập khung quản trị tích hợp các yếu tố ESG quan trọng vào chiến lược kinh doanh. Khung này sẽ nhấn mạnh sự hợp tác giữa các bộ phận khác nhau, từ đó đảm bảo quyền hạn, trách nhiệm của từng thành viên liên quan đến ESG được phân bổ hợp lý.

Bên cạnh đó, Delta West cũng nhận định rằng Hội đồng quản trị của công ty nên phân bổ nguồn lực, điều chỉnh cấu trúc nhân sự hợp lý để giám sát các vấn đề ESG một cách hiệu quả, phù hợp với tình hình cụ thể của doanh nghiệp. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp bổ nhiệm thêm chức Giám đốc Phát triển Bền vững (CSO), người nắm rõ những yêu cầu, tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường, xã hội. CSO không chỉ nắm vững mối tương quan giữa các yếu tố ESG mà còn tập trung vào mục tiêu phát triển bền vững của tổ chức một cách đồng bộ.

Xem thêm: Việt Nam sẽ giữ vai trò tiên phong trong làn sóng chuyển đổi xanh của khu vực

Xem thêm: 06 giải pháp tiết kiệm điện năng trong sản xuất dành cho nhà máy, nhà xưởng

spot_img

Tin mới

Tin liên quan