Sunday, December 8, 2024
Trang chủCông nghệDoanh nghiệp sản xuất mong muốn chuyển đổi số nhưng gặp nhiều...

Doanh nghiệp sản xuất mong muốn chuyển đổi số nhưng gặp nhiều thách thức

Báo cáo công bố bởi Zebra Technologies chỉ ra rằng 92% doanh nghiệp sản xuất tham gia khảo sát đang đẩy mạnh những hoạt động liên quan đến chuyển đổi số. Tuy nhiên, không nhiều doanh nghiệp theo kịp cuộc đua này do thiếu sự đồng nhất giữa IT và OT. Đồng thời, chỉ số ít có khả năng triển khai hệ thống giám sát theo thời gian thực hiệu quả, một trong những yếu tố then chốt giúp đẩy nhanh tốc độ số hóa trong sản xuất.

02 thách thức lớn cản trở quá trình chuyển đổi số sản xuất

Theo báo cáo tầm nhìn ngành sản xuất (Manufacturing vision study report), công bố bởi Zebra Technologies, 92% số doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất tham gia khảo sát và 87% ở khu vực APAC (Châu Á – Thái Bình Dương) hiện đang đẩy mạnh chuyển đổi số. Cụ thể, các doanh nghiệp đang nỗ lực ứng dụng AI, cải tiến quản lý dữ liệu, triển khai các công nghệ tiên tiến nhằm nâng cao khả năng giám sát và chất lượng sản phẩm trong quy trình sản xuất. Tuy nhiên, để làm được điều đó, doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn.

Số hóa sản xuất đang trở thành mối quan tâm chính của nhiều doanh nghiệp

Số hóa sản xuất đang trở thành mối quan tâm chính của nhiều doanh nghiệp

Cụ thể, quy trình giám sát theo thời gian thực chưa được ứng dụng ở nhiều doanh nghiệp. Theo Zebra Technologies, chỉ có 16% lãnh đạo doanh nghiệp sản xuất toàn cầu báo cáo rằng họ đang sở hữu hệ thống giám sát theo thời gian thực trong toàn bộ quy trình sản xuất. Trong khi đó, tỷ lệ này cao hơn ở các doanh nghiệp hàng đầu thuộc khu vực APAC, với con số đạt 25%.

Bên cạnh vấn đề liên quan đến khả năng giám sát, khoảng 1/3 các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng sự không đồng nhất giữa công nghệ thông tin (IT) và công nghệ vận hành (OT) trong việc lựa chọn, vận hành dự án đầu tư là thách thức lớn nhất đối với tiến trình chuyển đổi số. Điều này được lý giải bởi hai hệ thống sử dụng các giao thức và tiêu chuẩn khác nhau, khiến việc kết nối trở nên phức tạp. IT thường hoạt động dựa trên các tiêu chuẩn linh hoạt, còn OT tuân theo giao thức công nghiệp. Bên cạnh đó, IT chuyên xử lý các tệp dữ liệu lớn, trong khi OT xử lý theo thời gian thực. Những sự khác biệt này đòi hỏi phải có các công nghệ trung gian để liên kết hai hệ thống, làm cho quá trình tích hợp trở nên khó khăn và tốn kém.

Hai thách thức trên đang gây ra nhiều trở ngại cho các doanh nghiệp, bởi nếu không đủ khả năng giám sát theo thời gian thực và tích hợp IT và OT, doanh nghiệp sẽ mãi chậm chân trong việc áp dụng các giải pháp tự động hóa và phân tích dữ liệu, bị tụt lại phía sau trong cuộc đua số hóa sản xuất. Để thay đổi cục diện, họ cần phải cố gắng tích hợp các công nghệ, thiết bị và cảm biến tiên tiến vào toàn bộ chuỗi cung ứng và quy trình sản xuất một cách an toàn và hiệu quả.

Doanh nghiệp sản xuất Việt Nam tăng tốc số hóa, ứng dụng công nghệ mới

Doanh nghiệp Việt Nam cần tăng tốc số hóa để phát huy tối đa tiềm năng ngành sản xuất. Hiện nay, ngành sản xuất đang là một trong những trụ cột kinh tế quan trọng của Việt Nam, đóng góp hơn 20% vào GDP quốc gia, và tỷ lệ này dự kiến có thể đạt mức 30% vào năm 2030 (Theo báo cáo của Cushman & Wakefield). Ngoài ra, trong năm 2023, lĩnh vực đầy tiềm năng này đã thu hút 20 tỷ USD, chiếm hơn 60% tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Để duy trì những kết quả tích cực trên, doanh nghiệp sản xuất Việt Nam cần phải ưu tiên chuyển đổi số và nắm bắt cơ hội để theo kịp xu hướng hiện đại hóa sản xuất toàn cầu.

Doanh nghiệp tăng cường chuyển đổi số và số hóa sản xuất

Doanh nghiệp tăng cường chuyển đổi số và số hóa sản xuất

Cụ thể, các doanh nghiệp cần phải chú trọng đào tạo lại, cập nhật kiến thức và nâng cao kỹ năng cho người lao động về chuyển đổi số trong sản xuất nhằm duy trì sức cạnh tranh. Việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và các công nghệ tiên tiến vào quá trình đào tạo là cần thiết để gia tăng năng suất, tinh giản hoạt động, từ đó cải thiện chất lượng nhân sự.

Ngoài ra, cần đẩy mạnh quá trình số hóa hơn nữa bằng cách tích hợp công nghệ hiện đại và tối ưu hóa hoạt động sản xuất ở mọi quy mô. Tuy nhiên, thay vì cải tiến đột ngột và đặt mục quá tham vọng, ông Christanto Suryadarma, Phó Chủ tịch kinh doanh khu vực Đông Nam Á, Hàn Quốc và kênh khu vực AP JeC của Zebra Technologies, cho rằng doanh nghiệp nên tiến hành từng bước. Theo ông, nhà sản xuất không nhất thiết phải triển khai những dự án triệu đô, quy mô lớn. Thay vào đó, nên bắt đầu từ những dự án quy mô nhỏ, sau đó dần mở rộng dần phạm vi triển khai sẽ giúp hạn chế rủi ro, nhất là khi doanh nghiệp còn thiếu kinh nghiệm quản lý.

Xem thêm: Google dự kiến xây dựng siêu trung tâm dữ liệu tại Việt Nam

Xem thêm: 03 lợi thế giúp Việt Nam thu hút FDI phát triển trung tâm dữ liệu

Tổng Thầu Xây dựng Delco

Tổng thầu Tư vấn đầu tư, Thiết kế - Xây dựng nhà xưởng chất lượng cao.

spot_img

Tin mới

Tin liên quan