Luật lao động Việt Nam và Nhật Bản chủ yếu khác biệt nhau về quy định mức lương tối thiểu; số giờ làm thêm và chi phí lao động; cũng như cách phân chia hợp đồng, quy định bồi thường và sa thải. Đáng chú ý, mức lương tối thiểu cao nhất mà người lao động Việt Nam nhận được là 23.800 đồng/giờ, nhưng con số này chỉ bằng 13,6% so với lương thấp nhất theo giờ ở Nhật Bản.
Thị trường lao động Việt Nam và Nhật Bản – những điểm khác biệt chính
Độ tuổi lao động trung bình
Việt Nam đang ở trong thời kỳ dân số vàng, với độ tuổi lao động trung bình khoảng 31,2, theo số liệu từ Viện Công nhân và Công đoàn. Ngược lại, Nhật Bản đang phải đối mặt với tình trạng già hóa dân số, khi tỷ lệ người trong độ tuổi lao động so với người trên 65 tuổi chỉ đạt 1,8, mức thấp nhất trên thế giới. Đáng chú ý, số người từ 65 tuổi trở lên vẫn phải làm việc đạt mức kỷ lục 9.140.000 người, trong đó có cả những lao động trên 80 tuổi và cao hơn nữa. Với lợi thế về nguồn nhân lực trẻ, dồi dào, Việt Nam hiện là một trong những điểm đến hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư nước ngoài.
Mức lương bình quân
Mức lương trung bình của Việt Nam thấp hơn Nhật Bản và các nước khác trong khu vực
Theo báo cáo của trang phân tích năng suất Time Doctor, thu nhập bình quân của lao động Việt Nam năm 2024 khoảng 14,9 triệu đồng/tháng, tương đương với 603,3 USD/tháng (tính theo tỷ giá cập nhật đến ngày 18/09/2024). Con số này chỉ bằng 19% so với Nhật Bản, nơi có thu nhập bình quân khoảng ¥472.000/tháng, tương đương với 3.329 USD/tháng. Mức lương trung bình của nước ta cũng thấp hơn đáng kể so với một số quốc gia trong khu vực, như: Singapore (5935 USD/tháng), Thái Lan (2666 USD/tháng), Brunei (2216 USD/tháng),…
Những điểm khác biệt của Luật lao động Việt Nam so với Luật lao động Nhật Bản
Quy định về mức lương tối thiểu
Hiện tại, Luật lao động Việt Nam chia lương tối thiểu theo vùng, trong đó mức cao nhất là 23.800 đồng/giờ, tương đương khoảng 0,97 USD/giờ (sau khi Nghị định số 74/2024/NĐ-CP chính thức có hiệu lực từ 1/7/2024). Còn tại Nhật Bản, mức lương tối thiểu là 1002 JPY/giờ, tức khoảng 7,13 USD/giờ, cao hơn rất nhiều so với Việt Nam.
Mức lương tối thiểu tại Việt Nam không chỉ thấp hơn Nhật Bản mà còn thấp hơn so với nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Đây là một yếu tố quan trọng giúp Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài vì chi phí nhân công rẻ.
Quy định về số giờ làm thêm và các chi phí lao động khác
Theo Luật lao động, mức lương làm thêm giờ vào các ngày thường được quy định tối thiểu là 150% lương cơ bản, 200% vào ngày nghỉ, và 300% vào các ngày lễ, tết. Ngoài ra, thời gian làm thêm của người lao động không vượt quá 200 giờ/năm.
Về bảo hiểm xã hội, doanh nghiệp phải đóng 21,5% quỹ lương tháng cho người lao động, trong đó có 3% dành cho bảo hiểm thai sản. Lao động nữ sẽ được hưởng chế độ nghỉ thai sản với mức lương do bảo hiểm xã hội chi trả trong 6 tháng (tính cả thời gian trước và sau khi sinh con). Bên cạnh đó, lao động nữ được nghỉ trước khi sinh không quá 2 tháng.
Tại Nhật Bản, người lao động khi làm thêm giờ vào những ngày thường sẽ được trả thêm 25% so với lương cơ bản, còn nếu làm vào những ngày nghỉ, mức tăng sẽ là 35%. Tuy nhiên, tổng số giờ làm thêm mỗi năm không được vượt quá 360 giờ.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Nhật Bản chịu trách nhiệm đóng 50% phí BHXH cho người lao động, cao hơn đáng kể so với Việt Nam. Đối với lao động nữ, họ được quyền nghỉ trước khi sinh 6 tuần và nghỉ sau khi sinh 8 tuần để hồi phục. Đồng thời, được trợ cấp một lần với số tiền 420.000 yên, cùng với việc miễn đóng bảo hiểm xã hội trong thời gian nghỉ thai sản.
03 điểm khác nhau về số giờ làm thêm giờ và chi phí lao động được quy định tại Luật lao động Việt Nam và Luật lao động Nhật Bản
Quy định về hợp đồng, bồi thường và sa thải
Không giống như ở Nhật Bản, Luật lao động Việt Nam cho phép doanh nghiệp có thể chấm dứt thỏa thuận thử việc mà không cần báo trước hay phải bồi thường. Quy định này mang lại sự linh hoạt cho các nhà đầu tư, giúp họ dễ dàng đưa ra quyết định khi người lao động không đáp ứng được kỳ vọng trong quá trình thử việc.
Theo quy định của Luật Lao động Việt Nam, hiện có hai loại hợp đồng lao động chính:
- Hợp đồng không xác định thời hạn.
- Hợp đồng xác định thời hạn, với thời hạn tối đa 36 tháng. Loại hợp đồng này chỉ được gia hạn một lần duy nhất. Nếu sau đó, nếu người lao động vẫn tiếp tục làm việc, doanh nghiệp phải chuyển sang ký kết hợp đồng không xác định thời hạn.
Ngoài ra, người lao động chính thức tại Việt Nam sẽ được hưởng 12 ngày phép có lương mỗi năm. Khi sa thải người lao động, doanh nghiệp có trách nhiệm chi trả ít nhất hai tháng lương như một khoản bồi thường.
Trong khi đó, Luật lao động Nhật Bản chia hợp đồng thành 3 loại chính:
- Hợp đồng có thời hạn từ 1 đến 3 năm (có thể gia hạn).
- Hợp đồng vô thời hạn (kéo dài đến khi nghỉ hưu).
- Hợp đồng dành cho nhân viên phái cử (công việc và thời gian phụ thuộc vào từng dự án).
Người lao động tại Nhật Bản được hưởng ít nhất 10 ngày nghỉ phép và tối đa 20 ngày, tùy thuộc vào thâm niên lao động. Nếu doanh nghiệp sa thải nhân viên, họ bắt buộc phải bồi thường tối thiểu 1 tháng lương.
Xem thêm: 08 đặc trưng tính cách của lao động Việt Nam trong công việc
Xem thêm: Cập nhật mới nhất về lương cơ bản Việt Nam và đãi ngộ dành cho người lao động