Chỉ số lạm phát Việt Nam 2024 được nhiều chuyên gia dự báo 3 – 3,5%, trong tình trạng kiểm soát tốt. Ngoài ra, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong cả năm 2024 cũng được dự báo ở mức dưới 4%. Việc kiểm soát tốt lạm phát và CPI sẽ giúp giảm bớt áp lực lên nền kinh tế và ổn định tình hình kinh tế Việt Nam trong bối cảnh kinh tế toàn cầu khó khăn.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và lạm phát 06 tháng đầu năm 2024
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) quý II/2024 tăng 4,39% so với cùng kỳ năm trước và tăng 4,08% trong bình quân 6 tháng đầu năm nay. Mặc dù giá cả hàng hóa tăng có thể dẫn đến lạm phát tăng và ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế, nhưng tổng sản phẩm quốc dân (GDP) của Việt Nam vẫn đạt mức tăng ước đạt ấn tượng 6,93% trong quý II và 6,42% trong nửa đầu năm 2024. Điều này thể hiện rõ sự phục hồi của nền kinh tế Việt Nam.
Nguyên nhân chủ yếu đến từ sự tăng giá của các nhóm hàng hóa cơ bản. Trong đó nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống trong quý II/2024 tăng 4,48% so với cùng kỳ năm ngoái, khiến chỉ số CPI tăng 1,5 điểm phần trăm. Theo sau là nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng với mức tăng 5,62% và làm tăng CPI 1,06 điểm phần trăm.
Chỉ số giá của nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tác động mạnh nhất đến sự gia tăng CPI trong 06 tháng đầu năm 2024
Trong 6 tháng đầu năm 2024, lạm phát cơ bản tăng 2,75% so với lạm phát Việt Nam nửa đầu năm 2023, thấp hơn so với mức tăng 4,08% của chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Sự khác biệt này chủ yếu là do giá các mặt hàng như: lương thực, điện, giáo dục, và y tế tăng, nhưng lại không được tính vào lạm phát cơ bản.
Áp lực lạm phát 2024 không quá lo ngại
Tại buổi hội thảo “Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2024”, ông Nguyễn Đức Độ, hiện đang giữ chức phó Viện trưởng Viện Kinh tế – Tài chính của Học viện Tài chính phân tích: “Chỉ số lạm phát so với cùng kỳ và lạm phát trung bình ở mức cao như hiện nay chủ yếu do tác động từ điều chỉnh giá dịch vụ y tế và giáo dục trong quý 3/2023. Bởi vậy, trong quý 3/2024, khi hiệu ứng từ các cuộc điều chỉnh giá này giảm dần, lạm phát so với cùng kỳ sẽ giảm mạnh và lạm phát trung bình cũng sẽ giảm theo, nếu không có các cuộc điều chỉnh giá quy mô lớn đối với các mặt hàng được Nhà nước quản lý”.
Buổi hội thảo “Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2024” tập hợp nhiều chuyên gia giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh tế
Ngoài ra, ông cũng cho rằng áp lực đến từ lạm phát Việt Nam trong năm 2024 là vừa phải khi xem xét 06 yếu tố tác động sau:
Thứ nhất, nền kinh tế 2024 hoạt động dưới mức tiềm năng khi tốc độ tăng trưởng GDP trung bình từ năm 2020 đến 2024 chỉ là 5%, thấp hơn mức bình quân 6,1% của giai đoạn 2014-2024.
Thứ hai, tiêu dùng tăng chậm (khoảng 3,9%/năm) trong giai đoạn 2020-2024, cho thấy sức mua vẫn còn yếu, khiến các doanh nghiệp chú trọng tiêu thụ hàng hóa hơn là tăng giá.
Thứ ba, Lạm phát hàng tháng vẫn thấp trong khi tỷ giá tăng mạnh (dự kiến sẽ ổn định trong nửa cuối năm).
Thứ tư, giá dầu ổn định quanh mức 80 USD/thùng và khó tăng mạnh do nguy cơ suy thoái kinh tế Mỹ.
Thứ năm, lãi suất thực dương, cung tiền và tín dụng tăng trưởng thấp, giúp kiểm soát lạm phát.
Thứ sáu, việc tăng lương cơ sở sẽ không tác động lớn đến lạm phát do khu vực công chỉ chiếm chưa đến 8% lực lượng lao động.
Dự báo tình hình lạm phát Việt Nam 2024
Ông Nguyễn Đức Độ dự báo CPI sẽ đạt đỉnh vào khoảng tháng 7-8/2024, sau đó sẽ giảm dần. Nếu không có điều chỉnh lớn về giá dịch vụ, lạm phát trung bình năm 2024 được dự báo có thể quanh mức 3,4% (+/-0,2%), nằm trong dự báo đầu năm là 3,0% (+/-0,5%). Con số này phần nào cao hơn mức tăng lạm phát Việt Nam 2023 (3,25%).
Ngoài ra, PGS.TS. Vũ Duy Nguyên, Viện trưởng Viện Kinh tế – Tài chính cũng đưa ra hai kịch bản dự báo:
- Kịch bản 1: CPI trung bình khoảng 3,95% (+0,25%) trong trường hợp GDP tăng trưởng 6-6,5% và không có rủi ro địa chính trị và biến động bất thường từ giá dầu thế giới.
- Kịch bản 2: CPI trung bình 3,95% (-0,25%) trong trường hợp tăng trưởng GDP không đạt 6% và không có sự biến động bất thường nào liên quan đến địa chính trị và giá dầu thế giới.
Để kiềm chế lạm phát và CPI trong nửa cuối năm 2024, ông Nguyên cho rằng Chính phủ và Ngân hàng nhà nước cần duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng, với lãi suất thấp và tín dụng mở rộng có kiểm soát.
Chính sách tiền tệ nới lỏng cần tiếp tục được duy trì để kiềm chế lạm phát
Viện trưởng cũng nhấn mạnh cần kiểm soát chặt chẽ việc giải ngân tín dụng để đảm bảo vốn sử dụng hiệu quả, đồng thời ổn định thị trường vàng và ngoại hối, chuẩn bị sẵn kịch bản ứng phó với chính sách lãi suất của các nước lớn.
Nguồn tham khảo: Tổng cục Thống kê Việt Nam