Hiệp định EVFTA đã góp phần giúp EU vươn lên trở thành một trong những nhà đầu tư lớn tại Việt Nam. Tuy vậy, nhằm tối ưu hóa lợi ích của hiệp định và thu hút thêm nhiều doanh nghiệp Châu Âu đầu tư vào Việt Nam, Chính phủ cần cải cách thủ tục hành chính và chính sách thuế còn hạn chế.
EVFTA thúc đẩy đầu tư FDI Châu Âu vào Việt Nam
Theo khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), mức độ nhận thức của các doanh nghiệp về Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA) cao hơn so với các FTA khác. Khoảng 50% doanh nghiệp được hưởng lợi từ EVFTA. Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng 16,7%, và con số này đạt gần 20% vào năm 2023.
Ông Dominik chia sẻ về lợi thế của Việt Nam khi đón dòng vốn FDI từ Châu Âu
Ông Dominik Meichle, Chủ tịch EuroCham tại Việt Nam, cho rằng EVFTA đã mang lại cho Việt Nam những lợi thế cạnh tranh đáng kể, khi là một trong hai quốc gia ASEAN (cùng với Singapore) ký kết FTA với EU. Bên cạnh đó, EVFTA cũng góp phần quan trọng trong việc nâng cao vị thế của EU, giúp khối trở thành nhà đầu tư FDI lớn thứ sáu tại Việt Nam, với 2.450 dự án và tổng vốn đầu tư vượt mức 28 tỷ Euro (lũy kế đến năm 2023).
Gần đây nhất, tính đến ngày 20/05/2024, tổng vốn FDI từ Châu Âu vào Việt Nam (không bao gồm đầu tư qua bên trung gian thứ ba) đạt 29,88 tỷ USD. Với kết quả tích cực này, EU xếp thứ 5 trên tổng số 140 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.
Nâng cao hiệu quả thu hút FDI từ Châu Âu vào Việt Nam
Theo ông Dominik, EVFTA đã mở ra nhiều cơ hội cho các công ty, tập đoàn trong Châu Âu muốn thâm nhập vào Việt Nam. Tuy nhiên, để tối ưu hóa lợi ích từ hiệp định, Chính phủ Việt Nam cần phải giải quyết một số vấn đề, đặc biệt là thủ tục pháp lý, các quy định về thuế quan.
Nhiều tỉnh thành của Việt Nam chủ động tiếp xúc doanh nghiệp, xúc tiến thương mại để thu hút dòng vốn Châu Âu đầu tư vào Việt Nam
Theo khảo sát EuroCham, các doanh nghiệp Châu Âu hiện nay vẫn gặp nhiều khó khăn trong triển khai đầu tư dự án và quá trình kinh doanh tại Việt Nam. Một trong những trở ngại lớn chính là sự thiếu minh bạch trong khung pháp lý, thời gian xử lý các thủ tục hành chính kéo dài, nhiều quy định còn mơ hồ, và chính sách thuế chưa thật sự công bằng giữa doanh nghiệp trong nước và quốc tế.
Ông Dominik nhận định rằng, trong năm thứ 05 từ khi EVFTA chính thức có hiệu lực, Việt Nam cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tinh gọn các thủ tục pháp lý, thống nhất các tiêu chuẩn và bảo đảm các bên đều nắm rõ cơ chế hoạt động của hiệp định, cũng như điều chỉnh chính sách thuế công bằng. Có như vậy, dòng vốn đầu tư từ Châu Âu vào Việt Nam mới “khai thông” và ngày càng được đẩy mạnh.
Xem thêm: FED mạnh tay cắt giảm lãi suất 0,5%, khởi động chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ
Xem thêm: Chuyên gia đề xuất các giải pháp thu hút, tăng trưởng vốn FDI bền vững