Để thu hút nguồn vốn FDI chất lượng và bền vững, Việt Nam cần thực hiện nhiều chính sách đột phá về ngoại giao, nhân lực, hạ tầng,… Điều này không chỉ phát triển hợp tác quốc tế mà còn nâng cao chất lượng nguồn lao động và tạo dựng môi trường kinh doanh lành mạnh dành cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Dòng vốn FDI vào Việt Nam 2024 tăng trưởng tích cực
Trong 6 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã thu hút được tổng cộng 15,2 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài đăng ký,tăng 13,1% so với nửa đầu năm 2023 (Theo số liệu công bố bởi Cục Đầu tư nước ngoài). Đây là mức cao nhất trong nửa đầu năm giai đoạn 2020 – 2024. Trong đó, số vốn giải ngân đạt khoảng 10,84 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2023.
Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCharm) vừa công bố Chỉ số niềm tin kinh doanh (BCI) cho quý II/2024, với số điểm đạt 51,3 điểm. Con số này chỉ thấp hơn so với mức 52,8 điểm của quý I/2024, kể từ thời điểm quý IV/2022. Điều này phản ánh niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là những nhà đầu tư châu Âu, đối với tiềm năng kinh doanh tại Việt Nam.
Ông Dominik Meichle, Chủ tịch EuroCham tại Việt Nam, chia sẻ rằng Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh doanh, theo kinh nghiệm từ chính công ty của ông. Cụ thể, Việt Nam sở hữu nguồn lao động tốt, phù hợp cho việc thúc đẩy sản xuất công nghệ cao, ví dụ như sản xuất chip bán dẫn. Để làm được điều đó, Chính phủ cũng đang tích cực chuẩn bị cho sự chuyển dịch này.
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (Eurocharm) đánh giá cao tiềm tiềm năng của Việt Nam
Ông Kim Tae Hong, Giám đốc sản xuất của Seojin Việt Nam, nhận định thêm về những cơ hội kinh doanh và điều kiện thuận lợi mà từng địa phương mang lại, đặc biệt là các khu công nghiệp với cơ sở hạ tầng hiện đại. Điều này giúp Seojin nhanh chóng hoàn thiện và đưa nhà máy vào hoạt động. Bên cạnh đó, ông cũng cho rằng Việt Nam hiện đang sở hữu nguồn nhân lực phong phú, luôn sẵn sàng cho các hoạt động sản xuất.
Chuyên gia đề xuất các giải pháp thu hút, tăng trưởng FDI bền vững
Trong 6 tháng đầu năm 2024, Việt Nam chứng kiến sự tăng trưởng ấn tượng về vốn đăng ký và vốn giải ngân FDI. Thậm chí, bộ Kế hoạch và Đầu tư còn kỳ vọng số vốn FDI đăng ký cả năm 2024 đạt 39 – 40 tỷ USD. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đó, các chuyên gia cho rằng Nhà nước cần có những chính sách đột phá, khác biệt để giữ vững vị thế, đặc biệt là trong bối cảnh cạnh tranh thu hút vốn FDI giữa các quốc gia ngày càng khốc liệt.
Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE), ông Nguyễn Mại, chia sẻ quan điểm về phát triển năng lượng của Việt Nam: “Đặc biệt, năm nay chúng tôi nhấn mạnh trước hết về năng lượng. Nếu phập phù năng lượng, lúc tắt lúc bật thì không thể thu hút đầu tư vào công nghệ cao, đặc biệt là ngành bán dẫn.”
Không chỉ riêng lĩnh vực năng lượng được quan tâm, các quy định pháp lý của Việt Nam cũng đang là vấn đề cấp bách cần giải quyết. Ông Denzel Eades, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Anh quốc tại Việt Nam (BritCham), cho rằng Việt Nam hiện đang đối mặt với nhiều thách thức pháp lý. Sự chậm trễ trong việc giải quyết các vấn đề hành chính đã cản trở hoạt động của các doanh nghiệp. Cũng theo ông John Rockhold, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam (AmCham), Chính phủ Việt Nam cần làm rõ các quy định pháp lý hiện đang gây trở ngại cho việc thu hút nguồn vốn FDI, xem xét kỹ lưỡng các dự thảo luật và quy định mới để tránh tạo thêm gánh nặng hành chính cho doanh nghiệp.
Có thể thấy, để thu hút nguồn vốn FDI chất lượng, Việt Nam cần chú trọng thực hiện giải pháp đồng bộ, hợp lý nhằm giải quyết triệt để những vấn đề liên quan đến thủ tục pháp lý, năng lượng, và các lĩnh vực khác. Dưới đây là 6 giải pháp quan trọng và cần thiết được Tổng cục Thống kê đề xuất:
Thứ nhất, đẩy mạnh đối thoại chính sách và tháo gỡ những khó khăn mà các doanh nghiệp FDI đang gặp phải, đặc biệt là trong các vấn đề liên quan đến thủ tục pháp lý, hành chính, quản lý đất đai,…
Thứ hai, tập trung theo dõi và phân tích kỹ lưỡng xu hướng dòng vốn FDI vào Việt Nam để kịp thời điều chỉnh chính sách, tạo điều kiện hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Thứ ba, nỗ lực đáp ứng nhanh chóng yêu cầu về đàm phán, ký kết thỏa thuận và triển khai thực hiện của các công ty đa quốc gia. Đồng thời, ưu tiên hợp tác với các nhà đầu tư chiến lược nhằm tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu; hỗ trợ các doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng và công nghệ cao; chuyển giao công nghệ cho các công ty trong nước.
Thứ tư, chú trọng đào tạo và phát triển kỹ năng cho người lao động, hướng tới xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu từ các doanh nghiệp nước ngoài.
Chú trọng nâng cao chuyên môn và phát triển kỹ năng người lao động
Thứ năm, đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng, bao gồm mạng lưới giao thông vận tải, điện, nước,… Trong đó, việc xây dựng hệ thống giao thông kết nối giữa các tỉnh và vùng kinh tế trong nước là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.
Thứ sáu, doanh nghiệp trong nước cần nâng cao năng lực về đào tạo nhân sự, quản lý, công nghệ,…, từ đó đủ sức cạnh tranh với các doanh nghiệp, tập đoàn đa quốc gia hiện đang đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam.
Xem thêm: Tăng trưởng kinh tế Việt Nam và kỳ vọng thu hút đầu tư FDI 2024
Xem thêm: Xuất nhập khẩu Việt Nam 7 tháng đầu năm 2024 tăng 17,2%, triển vọng thương mại tươi sáng