Theo nhận định của chuyên gia, nhiều công trình chung cư tại Hà Nội và các tỉnh thành phố khác không đảm bảo tính kiên cố, an toàn khi bão Yagi đổ bộ. Dù chỉ mới đi vào vận hành khoảng vài năm, không ít chung cư đã bộc lộ nhiều vấn đề như: nứt tường, vỡ kính, hỏng lan can hay sập trần thạch cao, làm dấy lên lo ngại về chất lượng xây dựng.
Chiều tối ngày 7/9, khi bão đổ bộ vào thủ đô Hà Nội, căn hộ của anh Trần Hiếu, nằm ở tầng 29, góc hướng Tây Bắc tại phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, phải hứng trọn những đợt gió rít, mưa tạt. Anh chia sẻ rằng cửa sổ rung lắc liên hồi, nước mưa len lỏi qua các khe cửa tràn vào nhà. Hai vợ chồng phải liên tục dùng khăn lau và vắt nước để chống nước thấm. Khi thấy vết nứt trên cửa kính, anh đã nhanh chóng dùng băng dính dán lại và chèn khăn vào các khe hở, cố gắng ngăn gió mạnh làm vỡ cửa. Sau nhiều giờ, lo lắng cửa kính vỡ gây nguy hiểm, hai vợ chồng quyết định đưa con nhỏ xuống sảnh để đảm bảo an toàn.
Chị Nguyễn Nhung, cư dân tại một tòa chung cư 30 tầng ở quận Hà Đông, cũng rơi vào cảnh ngộ tương tự vào tối 7/9. Khi gió ngày càng mạnh lên, chị phát hiện vết nứt trên trần phòng ngủ, nước từ ngoài bắt đầu tràn qua cửa sổ. Chỉ khoảng một tiếng sau, vợ chồng chị nghe thấy tiếng động lớn phát ra từ căn phòng. Khi kiểm tra thì thấy toàn bộ tường thạch cao đã sụp đổ.
Người dân cố gắng chống chọi với cơn bão Yagi
Giải thích về vấn đề trên, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam (VACC), cho rằng nguyên nhân khách quan là do sức mạnh của cơn bão Yagi, được ghi nhận là cơn bão mạnh nhất trong vòng 30 năm trở lại đây ở Việt Nam. Cơn bão hiếm hoi này lại đổ bộ trực tiếp vào Hà Nội, khiến các công trình xây dựng, đặc biệt là những tòa chung cư và nhà ở đã có tuổi đời hơn chục năm, bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Tuy nhiên, ông Hiệp cũng nhấn mạnh, việc nhiều tòa chung cư mới chỉ được đưa vào vận hành từ 4 đến 6 năm nhưng đã xuất hiện tình trạng “nứt tường, vỡ mảng kính, hỏng lan can” cho thấy vấn đề nằm ở nguồn nguyên vật liệu, trang thiết bị và chất lượng thi công. Theo ông, quy trình xây dựng không được tuân thủ nghiêm ngặt, sự thiếu trách nhiệm của một số nhà thầu trong công tác thi công là những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này. Đồng thời, chất lượng của vật liệu và thiết bị đầu vào cũng là vấn đề mà các chủ đầu tư cần phải chịu trách nhiệm khi bàn giao công trình cho cư dân.
Ông Lê Văn Thịnh, chuyên gia về Quản lý chất lượng công trình xây dựng, từng công tác tại Bộ Xây dựng, chia sẻ thêm rằng, bất kỳ tòa nhà nào cũng gồm ba phần quan trọng: kết cấu móng nền, chịu lực và bao che. Những sự cố như: vỡ hoặc đổ vách kính, thấm dột, nứt tường,… đều có nguyên nhân bắt nguồn từ chất lượng kết cấu bao che.
Lấy ví dụ về hiện tượng nước thấm qua các khung cửa kính hay kính mặt tiền bị nứt vỡ, ông Thịnh nhận định rằng nguyên nhân chủ yếu là do quá trình lắp đặt không đạt tiêu chuẩn, vật liệu sử dụng kém chất lượng và độ lệch lớn giữa các cấu kiện khi lắp ghép. Ông còn giải thích thêm, chất lượng của vách kính phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: thiết kế, vật liệu, quá trình lắp đặt (khi thi công), cùng với điều kiện sử dụng, bảo trì và tuổi thọ của vật liệu (khi đưa vào sử dụng). Đơn vị thiết kế cần đặc biệt chú ý tới chất lượng kính, đặc biệt là khung vách và khung cửa, đảm bảo chúng liên kết chặt chẽ với các cấu kiện chịu lực và bao che khác để nhà thầu thi công thực hiện.
Nhiều chung cư bị sập trần, vỡ mảng kính khi bảo Yagi đổ bộ
Ngoài ra, quy chuẩn về thí nghiệm vách kính hiện nay vẫn chưa được hoàn thiện, do chưa yêu cầu bắt buộc thực hiện thí nghiệm hệ vách kính tỷ lệ 1:1. Ông Thịnh giải thích, thí nghiệm này giúp kiểm tra nhiều yếu tố quan trọng như: khả năng chống chịu va đập, ngăn ngừa vỡ ở những vùng gió lớn, mức độ kín khí, chống thấm nước trong điều kiện áp lực tĩnh và động, cũng như khả năng chịu lửa, cách âm và cách nhiệt. Thực tế, vẫn còn tồn tại sự khác nhau trong tiêu chí đánh giá chất lượng vật liệu giữa các bên liên quan như: chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng, đơn vị tư vấn thiết kế,…
Xem thêm: 08 yếu tố quan trọng giúp lựa chọn công ty tư vấn xây dựng