Thursday, October 3, 2024
Trang chủXã hội08 đặc trưng tính cách của lao động Việt Nam trong công...

08 đặc trưng tính cách của lao động Việt Nam trong công việc

Lao động Việt Nam được biết đến với nhiều phẩm chất đáng quý trong công việc như: sự khéo léo, tỉ mỉ, ham học hỏi, cùng khả năng tiếp thu nhanh. Tuy nhiên, đôi khi người Việt lại thiếu kiên trì, dễ mất động lực và có thói quen chậm trễ trong công việc. Những đặc điểm tính cách này có thể gây ấn tượng không mấy tích cực trong mắt của các nhà đầu tư, nhà quản trị doanh nghiệp nước ngoài.

Ngôn ngữ & vùng miền

Việt Nam là một quốc gia với 54 dân tộc, trong đó dân tộc Kinh chiếm đa số. Một số dân tộc thiểu số như: Hmong, Tày, Thái, Gia Rai, Ê đê, và Khmer sinh sống rải rác tại các khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ… Dù khác biệt về ngôn ngữ và văn hóa, hầu hết người dân tộc thiểu số tại các khu vực này đều có khả năng giao tiếp cơ bản bằng tiếng Việt, hay còn gọi là tiếng Kinh. Đây cũng là ngôn ngữ chính thức của quốc gia, được sử dụng trong các tài liệu pháp lý cũng như trong đời sống hàng ngày.

Xét về địa – văn hóa, Việt Nam được chia thành 3 vùng văn hóa, tương ứng với 3 miền chính: miền Bắc, miền Trung và miền Nam. Ở mỗi vùng, người dân đều có những tập tục, thói quen, phong cách, và lối sống khác nhau. Tất cả đều góp phần tạo nên một bản sắc văn hóa đa dạng, không trùng lẫn với bất kỳ quốc gia và vùng lãnh thổ nào.

Trình độ văn hóa & giáo dục

Sinh viên Việt Nam theo đuổi những con đường khác nhau sau bậc trung học

Sinh viên Việt Nam theo đuổi những con đường khác nhau sau bậc trung học

Hiện nay, tỷ lệ thanh niên Việt Nam theo học đại học vẫn còn khá thấp so với mặt bằng chung trong khu vực, khoảng 35%. Nguyên nhân là do sau khi hoàn thành bậc trung học, không ít bạn trẻ theo đuổi những con đường khác nhau như: du học, tham gia xuất khẩu lao động, học nghề hoặc đi làm tại các nhà xưởng, nhà máy. Thực tế này đã tạo nên một lực lượng lao động đa dạng về trình độ và kỹ năng.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc sâu rộng, Việt Nam ưu tiên phát triển kỹ năng ngoại ngữ cho người lao động, đặc biệt là tiếng Anh và tiếng Nhật. Theo thống kê từ Quỹ giao lưu quốc tế Nhật Bản, Việt Nam hiện xếp thứ 6 toàn cầu về số lượng người học tiếng Nhật, với con số lên đến 169.582 người. Gần đây, cùng với sự gia tăng đầu tư từ Trung Quốc và Hàn Quốc, nước ta đang tích cực triển khai nhiều chương trình giảng dạy tiếng Trung và tiếng Hàn, nhằm đáp ứng nhu cầu lao động cho các doanh nghiệp FDI.

Bên cạnh đó, Việt Nam đang ở trong giai đoạn dân số vàng với dân số khoảng 100 triệu người. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong nửa đầu năm 2024, đạt 52,5 triệu người, tăng so với cùng kỳ năm 2023. Cùng với đó, tỷ lệ lao động có bằng cấp và chứng chỉ tăng 1,4% so với năm trước. Ngoài ra, tỷ lệ thất nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2024 không đổi so với cùng kỳ, giữ nguyên mức 2,27%. Đây có lẽ là những tín hiệu đáng mừng đối với lực lượng lao động Việt Nam.

08 đặc trưng tính cách của người lao động Việt Nam trong công việc

Khéo léo và tỉ mỉ

Người Việt Nam thường được đánh giá cao bởi sự khéo léo và tỉ mỉ khi thực hiện những công việc nhỏ, đòi hỏi độ chính xác cao. Nhiều người có thể tự sửa chữa các vật dụng trong gia đình, lắp đặt thiết bị điện nước hoặc kiểm tra, bảo dưỡng xe máy, xe đạp khi cần thiết.

Mặc dù vậy, khi tiến hành công việc, sự khéo léo này thường không duy trì được lâu dài. Họ thường chú trọng vào giai đoạn đầu, nhưng dần thiếu sự chăm chút hoàn thiện chất lượng sản phẩm ở những công đoạn sau.

Lao động Việt Nam khéo léo, tỉ mỉ

Lao động Việt Nam khéo léo, tỉ mỉ

Hay chậm trễ

Nhìn chung, người Việt thường không có ý thức cao về việc tuân thủ giờ giấc. Họ thường xuyên trễ tàu, lỡ hẹn mà không xem đó là vấn đề nghiêm trọng. Đối với công nhân, việc hoàn thành công việc đúng thời hạn, tuân thủ thời gian làm việc cũng chưa được chú trọng. Khi làm việc tại các doanh nghiệp nước ngoài, người Việt nên cải thiện nhược điểm này nếu không muốn gây ấn tượng xấu, hoặc thậm chí bị sa thải.

Lòng tự trọng cao

Người Việt thường có lòng tự tôn cao và không muốn để người khác phát hiện ra sai lầm của mình. Khác với người Nhật, người Việt thường ít khi thừa nhận rằng họ không đủ khả năng hoặc thiếu trình độ để hoàn thành một nhiệm vụ. Điều này đôi lúc có thể làm chậm tiến độ thực hiện công việc và ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất.

Bên cạnh đó, người Việt cũng cảm thấy không thoải mái khi bị chỉ trích hoặc nhắc nhở trước đám đông. Do đó, các chủ đầu tư, nhà quản trị trong doanh nghiệp FDI cần lưu ý điều này khi làm việc với lao động Việt Nam tại các nhà máy hay xưởng sản xuất.

Coi trọng gia đình

Chịu ảnh hưởng của tư tưởng Khổng giáo, người Việt luôn đề cao mối quan hệ gia đình, và coi đây là giá trị cốt lõi trong cuộc sống. Vì vậy, khi gia đình có những sự kiện như: cưới hỏi, tang lễ, hay người thân ốm đau, họ thường ưu tiên xin nghỉ làm để có mặt. Trong trường hợp không được chấp thuận nghỉ phép, nhiều người lao động có thể sẵn sàng tạm dừng công việc để tham gia những sự kiện quan trọng của gia đình.

Tiếp thu kiến thức nhanh

Người Việt Nam luôn sẵn sàng học hỏi, tiếp thu kiến thức nhanh, nhưng thường thiếu sự kiên nhẫn và dễ nản chí, dẫn đến nền tảng kiến thức chưa thực sự vững vàng và có hệ thống. Bên cạnh đó, đối với nhiều người Việt, học tập không hẳn là mục tiêu tự thân. Khi còn nhỏ, việc học thường xuất phát từ áp lực gia đình, khi trưởng thành thì học vì danh dự, tìm kiếm việc làm, chứ ít người thực sự theo đuổi vì lòng đam mê.

Văn hóa tặng quà

Doanh nghiệp tặng quà cho người lao động Việt Nam

Doanh nghiệp tặng quà cho người lao động Việt Nam

Việc tặng quà trong các dịp lễ, Tết từ lâu đã trở thành một phần không thể thiếu trong văn hóa của người Việt. Vào mỗi dịp Trung thu, công nhân thường nhận được bánh Trung thu truyền thống từ phía công ty. Đặc biệt, vào Tết Nguyên Đán, hầu hết các doanh nghiệp không chỉ trao lì xì mà còn gửi tặng những món quà Tết, kèm theo lương và thưởng tháng thứ 13.

Hành động tặng quà trong các dịp đặc biệt này là cách doanh nghiệp bày tỏ lòng biết ơn đối với những công, nhân viên vì đã nỗ lực làm việc, cống hiến tận tâm, và gắn bó với công ty trong suốt thời gian qua.

Nghỉ ngơi tái tạo năng lượng

Người lao động Việt Nam thường duy trì lối sống cân bằng giữa công việc và thời gian nghỉ ngơi hợp lý, nhằm duy trì năng lượng và nâng cao hiệu suất làm việc. Người Việt thường thích thư giãn sau những giờ làm việc căng thẳng và tận hưởng bữa trưa cùng đồng nghiệp. Khoảng thời gian này không chỉ giúp phục hồi năng lượng mà còn tạo nên bầu không khí thoải mái, tăng cường sự gắn kết giữa các nhân viên trong công ty.

Tôn trọng người lớn tuổi và cấp trên

Truyền thống “kính trên nhường dưới” đã ăn sâu vào tiềm thức của người Việt, bởi vậy nên lao động Việt Nam thường có xu hướng kính trọng cấp trên và coi trọng thứ bậc trong tổ chức. Điều này được thể hiện qua việc mọi quyết định hay thông báo đều phải được sự chấp thuận từ lãnh đạo cấp cao. Khi trao danh thiếp, họ thường cúi đầu nhẹ, ưu tiên trao cho người giữ vị trí quan trọng trước. Đối với người lớn tuổi, người Việt luôn dùng những lời nói tôn kính để bày tỏ sự lễ phép và tôn trọng trong giao tiếp hàng ngày.

Xem thêm: Cập nhật mới nhất về lương cơ bản Việt Nam và đãi ngộ dành cho người lao động

Xem thêm: Google dự kiến xây dựng siêu trung tâm dữ liệu tại Việt Nam

spot_img

Tin mới

Tin liên quan