Nhận thức được tầm quan trọng của tiết kiệm điện năng trong quá trình sản xuất, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn chưa sẵn sàng cải tiến mô hình, quy trình vì lo ngại rủi ro. Để giải quyết vấn đề một cách hiệu quả, doanh nghiệp cần nâng cao ý thức lao động, ứng dụng công nghệ hiện đại và tiêu chuẩn quản lý năng lượng vào hoạt động sản xuất.
Sử dụng công nghệ, thiết bị mới
Doanh nghiệp nên cân nhắc việc thay thế thiết bị cũ bằng những thiết bị, máy móc công nghệ mới để tiết kiệm năng lượng điện. Thiết bị cũ, lỗi thời không chỉ tiêu thụ lượng lớn điện năng mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, bao gồm rò rỉ điện, cháy nổ,… Do đó, việc đầu tư vào các thiết bị mới, an toàn và tiết kiệm năng lượng, chẳng hạn như động cơ hiệu suất cao, hệ thống chiếu sáng, máy bơm, thiết bị nhiệt và thông gió, là cần thiết để đảm bảo an toàn và tối ưu hóa hiệu quả sản xuất.
Ứng dụng công nghệ hiện đại giúp doanh nghiệp tiết kiệm năng lượng
Một trong những phương pháp phổ biến nhiều doanh nghiệp ứng dụng là công nghệ biến tần (inverter) để điều chỉnh tốc độ động cơ theo nhu cầu thực tế. Công nghệ này đã chứng minh tính hữu dụng, được sử dụng trong nhiều thiết bị như: quạt lò hơi, máy bơm, máy nén khí,… Bằng cách sử dụng biến tần, doanh nghiệp không chỉ tiết kiệm điện mà còn khởi động mềm cho động cơ, từ đó bảo vệ thiết bị, tránh sụt áp và giảm thiểu hư hỏng.
Sử dụng nguồn năng lượng tái tạo
Việc sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, bao gồm năng lượng mặt trời, gió, sinh khối,… giúp doanh nghiệp tiết kiệm năng lượng hiệu quả nhờ tính bền vững và tự chủ cao trong sản xuất năng lượng. Cụ thể, năng lượng tái tạo dồi dào và có chi phí sản xuất, vận hành thấp. Nhờ đó, doanh nghiệp có thể cắt giảm chi phí điện mua từ lưới quốc gia, đồng thời hạn chế rủi ro liên quan đến biến động giá điện trên thị trường do các yếu tố như: khan hiếm nhiên liệu hóa thạch hay các chính sách thuế carbon nghiêm ngặt của Chính phủ.
Để tận dụng hiệu quả nguồn năng lượng sạch này, các nhà máy có thể lắp đặt hệ thống điện pin năng lượng mặt trời trên áp mái, từ đó cung cấp điện năng cho nhiều công đoạn trong hoạt động sản xuất. Theo tính toán của nhiều chuyên gia, do diện tích phần mái nhà xưởng lớn, phần điện mặt trời này hoàn toàn đủ cho sản xuất, thậm chí, Doanh nghiệp có thể bán lượng điện dư thừa cho Chính phủ, nhà cung cấp, từ đó tối ưu hóa chi phí vận hành và tăng tốc độ thu hồi vốn đầu tư.
Thiết lập hệ thống giám sát, quản lý năng lượng
Doanh nghiệp có thể cân nhắc triển khai, lắp đặt hệ thống đo lường và giám sát năng lượng nhằm phân tích, theo dõi và cảnh báo khi có sự cố gây rò rỉ hoặc lãng phí điện năng. Hệ thống sẽ giúp nhà máy quản lý lượng điện tiêu thụ, hạn chế tình trạng tiêu hao năng lượng không cần thiết và kịp thời xử lý khi có dấu hiệu bất thường về điện năng, từ đó nhanh chóng xác định nguyên nhân.
Với hệ thống giám sát thông minh này, doanh nghiệp có thể kiểm soát chặt chẽ và nhận biết sớm các khu vực tiêu thụ điện lớn, từ đó tối ưu hóa và điều chỉnh công suất hoạt động của thiết bị một cách hợp lý. Đồng thời, dựa trên số liệu và kết quả từ hệ thống, doanh nghiệp có thể lập kế hoạch sản xuất hợp lý để tránh sử dụng đồng loạt thiết bị tiêu thụ nhiều điện năng trong cùng một khoảng thời gian ngắn.
Thường xuyên bảo dưỡng và bảo trì thiết bị
Bảo dưỡng máy móc thường xuyên giúp tăng cường hiệu suất và giảm tiêu hao điện năng
Thường xuyên bảo dưỡng, bảo trì thiết bị giúp đảm bảo máy móc hoạt động với hiệu suất tối ưu, từ đó giảm tiêu hao điện năng. Nếu không được bảo dưỡng thường xuyên, bụi bẩn tích tụ hoặc các sự cố rò rỉ điện năng có thể làm giảm hiệu quả vận hành, khiến máy móc thiết bị phải tiêu thụ nhiều năng lượng hơn để bù đắp cho những điểm yếu kỹ thuật. Điều này dẫn đến giảm tuổi thọ, lãng phí điện và tăng chi phí vận hành.
Để giải quyết vấn đề này, doanh nghiệp nên áp dụng phương pháp bảo trì theo điều kiện (condition-based maintenance). Biện pháp bao gồm các hoạt động như: kiểm tra, vệ sinh, bôi trơn và thay thế bộ phận theo lịch trình bảo dưỡng, cùng với việc sử dụng cảm biến để theo dõi hiệu suất thiết bị theo thời gian thực. Điều này giúp phát hiện sớm các vấn đề tiềm ẩn, kéo dài tuổi thọ thiết bị và tối ưu hóa điện năng tiêu thụ.
Triển khai giải pháp thiết kế – kiến trúc xanh
Thiết kế, kiến trúc xanh đóng vai trò quan trọng trong việc tiết kiệm điện năng cho doanh nghiệp. Các yếu tố như: tối ưu hóa ánh sáng tự nhiên, cải thiện thông gió, và sử dụng vật liệu cách nhiệt tốt giúp giảm nhu cầu sử dụng điện cho chiếu sáng, điều hòa không khí, và sưởi ấm. Từ đó, doanh nghiệp có thể tiết kiệm chi phí năng lượng, bảo trì và thay thế, đồng thời tăng tuổi thọ của các thiết bị điện.
Doanh nghiệp có thể ứng dụng thiết kế, kiến trúc xanh bằng cách bố trí cửa sổ lớn với kính cách nhiệt nhằm tận dụng ánh sáng mặt trời. Đồng thời, thiết kế hệ thống thông gió tự nhiên bằng cách kết hợp cửa trời, cửa chớp, cửa mái,… một cách khoa học sẽ giúp tăng cường sự đối lưu của không khí, hút khí mát vào nhà xưởng và đẩy khí nóng ra ngoài. Nhờ đó, không khí trong xưởng luôn được thay mới, tạo môi trường thông thoáng, giảm bớt sự phụ thuộc vào điều hòa công nghiệp và tiết kiệm điện năng.
Tăng cường nhận thức về tiết kiệm điện năng của người lao động
Tại các khu công nghiệp và nhà máy, tình trạng lãng phí điện phần nào xuất phát từ ý thức và thói quen sử dụng của công, nhân viên. Vì vậy, để sử dụng điện năng một cách tối ưu hơn, doanh nghiệp cần đẩy mạnh giáo dục về các phương án tiết kiệm năng lượng, tránh lãng phí điện năng khi không sử dụng, đồng thời tổ chức các phong trào thi đua và khen thưởng dành cho những cá nhân, tập thể có ý thức tốt. Bên cạnh đó, cần xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về sử dụng năng lượng nhằm đảm bảo hiệu quả cao nhất.
Ý thức công nhân đóng vai trò quan trọng trong việc tiết kiệm điện năng
Hiện nay, không ít doanh nghiệp tại Việt Nam đang áp dụng những công cụ cải tiến năng suất, bao gồm phương pháp TPM (Total Productive Maintenance). Phương pháp này yêu cầu tất cả lao động tham gia vào quá trình duy trì và cải thiện hiệu suất thiết bị. Cụ thể, công nhân vận hành thực hiện bảo dưỡng hàng ngày, trong khi đội ngũ bảo trì sẽ đảm nhận các công việc bảo dưỡng quan trọng định kỳ. Điều này giúp tăng cường sự phối hợp và trách nhiệm giữa công nhân viên, tối ưu hiệu quả sử dụng máy móc và giảm thiểu lãng phí năng lượng.
Xem thêm: Biến động giá thuê bất động sản công nghiệp: Nhìn từ nửa đầu năm 2024