Thursday, October 3, 2024
Trang chủCông nghệ03 lợi thế giúp Việt Nam thu hút FDI phát triển trung...

03 lợi thế giúp Việt Nam thu hút FDI phát triển trung tâm dữ liệu

Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư quốc tế trong lĩnh vực trung tâm dữ liệu, nhờ tiềm năng phong phú về năng lượng tái tạo, nhất là điện gió và điện mặt trời. Bên cạnh đó, nhu cầu sử dụng dịch vụ Internet gia tăng, cùng với sự cải thiện hạ tầng viễn thông, đặc biệt là sự mở rộng hệ thống cáp quang biển và những thay đổi trong Luật Viễn thông, đang mở ra nhiều cơ hội cho sự phát triển của lĩnh vực này.

Tiềm năng về năng lượng tái tạo

Theo TS. Glen Duncan, Trưởng Bộ phận Nghiên cứu Trung tâm dữ liệu khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của JLL, hiện nay, các nhà đầu tư nước ngoài đang chú trọng tìm kiếm những quốc gia có tiềm năng sản xuất năng lượng tái tạo để xây dựng trung tâm dữ liệu. Việt Nam đang nổi lên như một điểm đến hấp dẫn trong lĩnh vực này. Tháng 8/2022, Amazon Web Services (AWS) chính thức công bố việc xây dựng các trung tâm dữ liệu tại Hà Nội và TP.HCM. Bên cạnh đó, những dự án đáng chú ý khác có thể kể đến như: trung tâm dữ liệu với công suất 20MW do Gaw Capital phát triển tại Khu Công nghệ cao TP.HCM, dự án 30MW của Worldwide DC Solution, dự án hợp tác giữa tập đoàn viễn thông NTT của Nhật Bản và DQ Tek.

Việt Nam có nhiều điều kiện phát triển năng lượng tái tạo

Việt Nam có nhiều điều kiện phát triển năng lượng tái tạo

Một trong những lợi thế chính giúp Việt Nam phát triển năng lượng tái tạo chính là vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên thuận lợi. Cụ thể, Việt Nam là quốc gia nhiệt đới gió mùa, với số giờ nắng dao động từ 2.000 đến 2.500 giờ/năm. Đặc biệt, khu vực miền Trung và miền Nam có cường độ bức xạ mặt trời cao, tạo điều kiện lý tưởng cho việc triển khai các dự án điện mặt trời. Dọc bờ biển dài 3.260 km, Việt Nam có tiềm năng điện gió lớn, đặc biệt ở các khu vực ven biển miền Trung và miền Nam như: Bình Thuận, Ninh Thuận, Bạc Liêu. Với vận tốc gió trung bình từ 6 đến 9 m/s, nước ta có lợi thế để phát triển các trang trại điện gió, cả trên bờ và ngoài khơi.

Theo báo cáo Năng lượng Việt Nam của Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế (IRENA), tỷ trọng năng lượng tái tạo của Việt Nam tăng trưởng ổn định qua các năm. Trong năm 2023, tổng công suất sản xuất năng lượng tái tạo của nước ta đạt 21,6 GW, tăng 4,7% so với năm trước. Theo dự báo của Statista, tính đến hết năm 2024, sản lượng năng lượng tái tạo của Việt Nam dự kiến đạt 120,30 tỷ KWh, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm khoảng 3,39% (giai đoạn 2024 – 2029).

Sức hút từ thị trường dân số trẻ

Bên cạnh lợi thế về nguồn năng lượng tái tạo, nhân khẩu học Việt Nam cũng là yếu tố gia tăng sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư quốc tế. Với độ tuổi trung bình khoảng 33,2 và dân số gần 100 triệu người, đứng thứ ba trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam hiện có nhu cầu lớn về dịch vụ Internet, công nghệ thông tin. Theo chuyên gia phân tích cấp cao của DC Byte, bà Vivian Wong, việc mở rộng thêm các trung tâm dữ liệu là cần thiết, nhằm đáp ứng yêu cầu và theo kịp với tốc độ tăng trưởng của thị trường.

Ngoài ra, tổng công suất của các trung tâm dữ liệu tại Việt Nam chỉ đạt khoảng 150 MW, vẫn còn khiêm tốn so với các nước trong khu vực. Theo báo cáo của DC Byte, Việt Nam hiện đang đứng thứ sáu về nguồn cung trung tâm dữ liệu ở Đông Nam Á, sau Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia và Philippines. TS. Glen Duncan chia sẻ rằng, mặc dù dân số Việt Nam đứng thứ ba trong khu vực Đông Nam Á, nhưng nguồn cung trung tâm dữ liệu lại chỉ xếp ở vị trí thứ sáu. Điều này cho thấy Việt Nam cần tăng cường xây dựng thêm nhiều trung tâm dữ liệu để đáp ứng nhu cầu của dân số, và đây chính là cơ hội đầy tiềm năng dành cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Hạ tầng viễn thông ngày càng được chú trọng

Hạ tầng viễn thông được xem là “xương sống” trong việc phát triển các trung tâm dữ liệu. Từ ngày 1/7/2024, Luật Viễn thông sửa đổi của Việt Nam chính thức có hiệu lực. Trong đó, một trong những thay đổi đáng chú ý liên quan đến quy định mới, cho phép các nhà đầu tư nước ngoài sở hữu 100% trung tâm dữ liệu trong nước. Các chuyên gia nhận định rằng những thay đổi trong Luật Viễn thông là bước ngoặt quan trọng, đang và sẽ mở ra nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư quốc tế.

Việt Nam đang nỗ lực cải thiện hạ tầng viễn thông bằng cách gia tăng số cáp quang biển

Việt Nam đang nỗ lực cải thiện hạ tầng viễn thông bằng cách gia tăng số cáp quang biển

Ngoài ra, Việt Nam hiện đang vận hành 5 tuyến cáp quang biển quốc tế, và dự kiến sẽ tăng thêm ít nhất 10 tuyến nữa vào năm 2030. Cụ thể, 4 tuyến cáp quang biển mới sẽ được hoàn thành và đi vào vận hành vào năm 2027. Từ năm 2028 đến 2030, tối thiểu 6 tuyến cáp quang biển khác sẽ tiếp tục được đưa vào hoạt động. Bên cạnh đó, hai tuyến cáp quang trên đất liền cũng sẽ được xây dựng để nâng cao khả năng kết nối. Sự mở rộng này giúp nâng tổng số tuyến cáp quang trên biển của nước ta lên 15 tuyến, với dung lượng truyền tải dự kiến đạt tối thiểu 350 Tbps.

TS. Glen Duncan, cùng các chuyên gia, đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong việc phát triển hạ tầng viễn thông. Ông nhấn mạnh rằng, khác với những quốc gia nhỏ như Singapore, Việt Nam đang phải đối mặt với thách thức phủ sóng viễn thông trên toàn bộ lãnh thổ trải dài từ Bắc vào Nam. Tuy nhiên, theo ông Duncan, Việt Nam hiện đang thực hiện khá tốt nhiệm vụ này, đặc biệt là tại các thành phố lớn như: Hà Nội và TP.HCM.

Xem thêm: Google dự kiến xây dựng siêu trung tâm dữ liệu tại Việt Nam

Xem thêm: Lĩnh vực công nghệ cao rộng mở cánh cửa đón dòng vốn FDI 

spot_img

Tin mới

Tin liên quan